September 29, 2022 | 13:36 GMT+7

Nhà hàng của “thánh rắc muối” tại London kiếm được 7 triệu bảng sau 4 tháng

Tuệ Mỹ -

Theo trang đánh giá nhà hàng Square Meal, miếng bít tết Tomahawk khổng lồ bọc bằng vàng lá là món ăn đặc trưng ở đây. Thực khách phải trả số tiền ít nhất là 700 bảng Anh (tương đương gần 1.000 USD) để thưởng thức món ăn lấy thịt từ phần xương sườn bò…

Ảnh: Bonappetit
Ảnh: Bonappetit

Trên thực tế, anh chàng bếp trưởng với biệt danh “thánh rắc muối” mới chính là yếu tố nổi bật nhất trên thực đơn của nhà hàng. Nusret Gökçe sinh ra và lớn lên ở thị trấn nhỏ Paşalı ở thành phố Erzurum thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, trong một gia đình làm nghề khai thác mỏ.

Ở tuổi 13, anh phải nghỉ học, đi rửa bát đĩa ở một nhà hàng địa phương, rồi đi theo đầu bếp của nhà hàng đó học kĩ năng cắt thịt và làm bít tết. Năm 2010, ở tuổi 27, Nusret Gökçe dành dụm được một số tiền và khai trương cửa hàng đầu tiên của mình tại một khu phố ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), lấy tên Nusr-Et Steakhouse (Nhà hàng bít tết Nusr-Et).

Tháng 7 năm 2017, Nusret Gökçe bỗng chốc nổi tiếng toàn cầu nhờ vào một video dài 36 giây anh đăng trên Instragram, quay lại cách anh rắc muối lên món “bít tết Ottoman”. Cách anh di chuyển bàn tay, nhón một nắm muối, gấp khuỷu tay lại, uốn cổ tay, để những hạt muối trượt từ cổ tay xuống cánh tay, bắn vào miếng thịt, đã trở thành nguồn cảm hứng cho cư dân mạng.

Trong vòng 48 tiếng, hơn 2,4 triệu lượt xem video này. Và đến nay, con số đang chạm ngưỡng hơn 16 triệu lượt xem. Từ đó cái tên “Salt Bae” (thánh rắc muối) ra đời. Nhiều người hâm mộ còn yêu thích gọi anh là “gã bán bít tết quyến rũ nhất Internet”.

Với danh tiếng và tài năng của mình, Gökçe đã mở một loạt cửa hàng bít tết, burger trên toàn thế giới. Cái tên Nusr-Et trở thành thương hiệu ẩm thực sang trọng thu hút giới siêu giàu, người nổi tiếng và thậm chí nhiều chính trị gia khắp nơi tìm đến. Có 39 triệu người theo dõi trên Instagram, Salt Bae biết cách dùng mạng xã hội để duy trì tiếng tăm. Nusret Gökçe cũng trở thành đầu bếp được “chỉ định” bởi nhiều nhân vật tầm cỡ, từ David Beckham, Cristiano Ronaldo tới Leonardo Dicaprio, hay thậm chí Mohammed bin Zayed Al Nahyan - Thái tử của Abu Dhabi.

Nhà hàng của “thánh rắc muối” tại London kiếm được 7 triệu bảng sau 4 tháng - Ảnh 1
Nhà hàng của “thánh rắc muối” tại London kiếm được 7 triệu bảng sau 4 tháng - Ảnh 2
 
Nhà hàng của “thánh rắc muối” tại London kiếm được 7 triệu bảng sau 4 tháng - Ảnh 3
Nhà hàng của “thánh rắc muối” tại London kiếm được 7 triệu bảng sau 4 tháng - Ảnh 4
 

Hiện tại, chuỗi nhà hàng Nusr-Et có 18 chi nhánh tại Abu Dhabi và Dubai (thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất); Doha ở Qatar; Ankara, Bodrum, Istanbul và Marmaris ở Thổ Nhĩ Kỳ; Jeddah ở Ả Rập Xê Út; Mykonos ở Hy Lạp; Miami, Texas, Boston, California và New York ở Mỹ.

Tháng 9 năm ngoái, Nusret Gökçe khai trương cửa hàng thứ 19 của mình tại khách sạn Park Tower ở Knightsbridge - khu vực trung tâm London (Anh), vẫn giữ phong cách xa hoa cùng menu xa xỉ. Nusr-Et Steakhouse London là nhà hàng đầu tiên của Nusret Gökçe mở cửa tại London, và cũng là chi nhánh đầu tiên có mặt tại Vương quốc Anh.

Thông tin mới đây cho thấy nhà hàng này khá ăn nên làm ra khi kiếm được tới 7 triệu bảng chỉ sau 4 tháng gia nhập thị trường ẩm thực London. Nusret UK Limited, công ty chủ quản của nhà hàng nổi tiếng đặt tại Knightbridge, đã tiết lộ thông tin này trong báo cáo của mình hồi đầu tuần này, và tuyên bố họ đã ''thành công ngoài dự đoán''. Lợi nhuận dồi dào thu được giúp Nusr-Et tự tin họ sẽ trụ vững trong thị trường ẩm thực ở West London trong thời gian tới.

Theo báo chí Anh, Nusr-Et Steakhouse London là nhà hàng đắt tiền thứ hai toàn thế giới, chỉ sau Sublimotion ở Tây Ban Nha. Hồi tháng 10/2021, một hóa đơn dùng bữa tại nhà hàng đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Theo đó, thực khách phải trả 37.000 bảng Anh (gần 51.000 USD) cho bữa tối, gồm có rượu vang, bít tết nạm vàng và bánh ngọt baklava. Món rẻ nhất trong hóa đơn là khoai tây nghiền cùng nấm xào, đồng giá 12 bảng. Trước đó, một người khác cũng đã đăng lên mạng hóa đơn khi ăn tối ở đây, giá bữa ăn bằng giá một cặp vé máy bay khứ hồi Anh - Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà hàng của “thánh rắc muối” tại London kiếm được 7 triệu bảng sau 4 tháng - Ảnh 5
Nhà hàng của “thánh rắc muối” tại London kiếm được 7 triệu bảng sau 4 tháng - Ảnh 6
 
Nhà hàng của “thánh rắc muối” tại London kiếm được 7 triệu bảng sau 4 tháng - Ảnh 7
Nhà hàng của “thánh rắc muối” tại London kiếm được 7 triệu bảng sau 4 tháng - Ảnh 8
 

Theo đánh giá của các nhà phê bình ẩm thực, món bít tết của Salt Bae không hề có gì đặc biệt hay xuất sắc hơn về mùi vị. Tuy vậy, những người giàu vẫn không ngừng tìm đến thưởng thức món ăn này, chỉ vì muốn được trải nghiệm màn trình diễn "mặn mà" của Salt Bae. Dù không phải ai cũng may mắn được anh phục vụ, nhưng riêng việc được check-in và thưởng thức món thịt bò rắc muối, dát vàng cũng khiến thực khách mãn nguyện.

Thông thường, “thánh rắc muối” sẽ mặc một chiếc áo phông trắng vừa vặn với cơ thể, quần tây sẫm màu, đeo kính râm gọng vàng, và ngẫu nhiên bước tới một chiếc bàn trong nhà hàng vào lúc 18h30. Anh dùng tay trái giữ miếng bít tết, tay phải cắt thịt thoăn thoắt, hông di chuyển điệu nghệ theo mỗi động tác cắt. Và sau đó là đến khoảnh khắc mà tất cả mọi người cùng chờ đợi. Gökçe bốc một nhúm muối trắng rồi thả chúng một cách điệu nghệ từ trên cao xuống, để muối rơi vào khuỷu tay mình rồi rơi xuống chỗ bít tết đã được nướng chín. Đó được cho là 45 giây hoàn hảo cho một thực khách quay video và đăng trên Instagram.

“Bít tết ở đây có phải là món ăn siêu phàm không? Không, nó rất bình thường, hơi dai và khá nhạt nhẽo. Nhưng đó không phải vấn đề. Chúng tôi đến để gặp Salt Bae, không phải để ăn", một thực khách chia sẻ. Ngoài ra, chuỗi nhà hàng Nusr-et cũng phục vụ thực đơn với nhiều món ăn đặc trưng khác như sườn nướng Asado, spaghetti thịt Nusr-Et, bánh tartare, salad nhẹ, cocktail...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate