Trên thị trường phân phối ô tô tại Việt Nam, NEH thuộc Tasco Auto có tới 86 showroom trên toàn quốc, phân phối 14 thương hiệu xe với nhiều kinh nghiệm trong ngành ô tô Việt. Do đó, việc NEH dừng cuộc chơi với BYD ngay từ khi chưa bắt đầu là rất bất ngờ, vì trước đó, NEH vẫn đang gấp rút tuyển dụng nhân sự để phục vụ cho việc phát triển đại lý BYD tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong văn bản chính thức gửi BYD, phía NEH đã thông báo quyết định dừng hợp tác với lý do đưa ra là do đơn vị chủ quản có điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh, việc dàn trải nguồn lực sẽ khó đảm bảo cho dự án phân phối xe BYD. Ngay sau thông báo từ NEH, nhiều đại lý được cho là đã gần tới khâu hoàn thiện tại TP.HCM cũng như Hà Nội đã tạm dừng và các bài đăng tuyển dụng đã được NEH gỡ bỏ trên các nền tảng mạng xã hội.
BYD Việt Nam cũng đã đưa ra phản hồi về đề nghị rút khỏi dự án của NEH. BYD cho hay, sau khi NEH dừng hợp tác, vẫn còn những đơn vị khác tham dự đầu tư, các kế hoạch của nhà sản xuất này tại Việt Nam sẽ không thay đổi. Khi NEH rút lui, Bitcar Việt Nam sẽ là nhà phân phối chính thức lớn nhất của hãng xe điện đến từ Trung Quốc.
Trước đó, Liu Xue Liang, tổng giám đốc bộ phận bán ô tô châu Á Thái Bình Dương của BYD, cho biết, họ có kế hoạch mở phòng trưng bày đầu tiên tại Việt Nam tại Hà Nội và TP HCM vào tháng 6 và sớm mở rộng sang 20 tỉnh, thành phố khác.
BYD dự kiến sẽ ra mắt tại Việt Nam với mẫu hatchback cỡ nhỏ Dolphin, crossover cỡ nhỏ Atto 3 và sedan hạng trung Seal. Nếu thành công, hãng sẽ tung ra thêm ba mẫu xe nữa vào cuối năm nay, sedan cỡ lớn Han, crossover hybrid Song và crossover cỡ trung Tang.
Toàn bộ số xe sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc. Nhưng về lâu dài công ty có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam.
BYD vẫn chưa tiết lộ giá nhưng đại diện của hãng cho biết họ đang muốn cạnh tranh với các loại xe đốt trong hơn là dòng xe chạy hoàn toàn bằng điện của VinFast vì ưu tiên của BYD là tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi từ xăng sang điện.
Thực tế, thị trường xe điện tại Việt Nam được đánh giá là một “miếng bánh” tiềm năng nhưng không hề dễ dàng với ngay cả nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới như BYD.
Đầu tiên phải kể đến chính là việc NEH vừa chính thức từ chối hợp tác với BYD. Dù lý do là gì thì rõ ràng với hệ thống các đại lý lớn hàng đầu tại Việt Nam, NEH rõ ràng sẽ giúp BYD dễ dàng hiện diện ở khắp cả nước. Nhưng hiện tại thì BYD sẽ phải tính toán lại để phổ biến các loại xe điện của mình và tâm lý e ngại của người tiêu dùng là rất dễ hiểu.
Tiếp đến là vấn đề cố hữu mà nhiều hãng xe Trung Quốc gặp phải khi vào Việt Nam đó sự cần thiết của hạ tầng trạm sạc cho xe điện trải dài khắp đất nước. Hiện tại thì ngoài VinFast không có hãng xe điện nào sở hữu hệ thống trạm sạc đủ lớn để phục vụ khách hàng.
Đặc biệt, mặc dù VinFast tuyên bố có thể chia sẻ trạm sạc nhưng hiện tại thì điều đó vẫn ở tương lai và BYD cũng khó có thể tận dụng hệ thống trạm sạc của VinFast. Ngoài ra, ngày 7/5, VF 3 cũng đã chính thức được chốt giá ở mức 235 triệu đồng, mức giá này ngay lập tức đã khiến các đối thủ ở mảng xe điện “khóc ròng” là điều chắc chắn vì khó có thể cạnh tranh ngay trong thị trường quê nhà của VinFast.
Trước mắt, người mua BYD có thể sạc pin tại nhà, các trạm sạc nhanh tại các đại lý và các trạm sạc thuộc sở hữu của bên thứ ba. Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tự tin nói rằng cơ sở hạ tầng sẽ phát triển theo nhu cầu thị trường như đã làm ở Trung Quốc và các quốc gia khác.
Cũng cần phải nhắc đến vấn đề BYD dù đã vượt qua cả Tesla nhưng hãng xe này đang gặp phải một số trở ngại mới khi mở rộng dấu ấn của mình tại thị trường Trung Quốc và nước ngoài. Trong báo cáo mới nhất của mình, các mẫu xe BYD do Trung Quốc sản xuất được vận chuyển đến châu Âu, Trung Đông và Nam Á đang gặp phải vấn đề về chất lượng.
Theo báo cáo gần đây, xe xuất khẩu từ Trung Quốc cần phải sửa chữa và sửa chữa nhiều lần khi đến nơi. Báo cáo cho biết, những chiếc xe cập bến Nhật Bản bị trầy xước và những chiếc đến châu Âu bị mốc. Mặc dù nấm mốc có thể xảy ra phổ biến trên ô tô, đặc biệt là khi chúng được bảo quản trong thời gian dài trong thời tiết ẩm ướt, nhưng vấn đề với ô tô BYD ở Châu Âu là chúng không được xử lý thích hợp để loại bỏ nấm mốc.
Tại Thái Lan, nơi xe điện Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường ô tô trong nước như vũ bão, các vấn đề về chất lượng của BYD dường như ngày càng gia tăng. Những lời phàn nàn về tình trạng bong tróc sơn, nhựa đã trở nên phổ biến. Trong khi đó, ở Israel, xe BYD EV được cho là đã bị cong vênh dưới sức nặng của giá đỡ nóc. Đây có vẻ giống như những vấn đề liên quan đến hậu cần hơn là lỗi sản xuất. Một giám đốc điều hành của BYD nói rằng vấn đề này tương đương với việc “đi đến một nhà hàng tử tế nhưng phát hiện ra đĩa bị sứt mẻ”. Ước tính khoảng 10.000 xe BYD đang đậu trong các kho hàng ở châu Âu, nơi chúng đã chờ được bán từ cuối năm ngoái.
Duy trì kiểm soát chất lượng chặt chẽ trên tuyến vận chuyển toàn cầu có thể là một thách thức mới đối với BYD. Nhưng còn quá sớm để đánh giá xem liệu những vấn đề về chất lượng này có phải là cảnh báo sai hay là điều BYD cần phải hết sức nghiêm túc xem xét.
Doanh số bán hàng của hãng sản xuất ô tô này sụt giảm vào tháng 2 năm 2024 do toàn ngành suy thoái. BYD cũng được cho là sẽ không đạt được mục tiêu nội bộ là bán được hơn 400.000 xe trên thị trường quốc tế trong năm nay.
Về cơ bản thì thị trường Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang trở thành một điểm đến khá hấp dẫn với các hãng xe Trung Quốc nói chung và BYD nói riêng. Thậm chí khu vực Đông Nam Á còn là bến đỗ hấp dẫn của BYD khi châu Âu và Mỹ đang có những chính sách thắt chặt với các hãng xe Trung Quốc. Tuy nhiên, việc làm thị trường với một hãng xe Trung Quốc chưa bao giờ là dễ dàng tại Việt Nam. Do đó, ngay sau khi NEH bất ngờ dừng hợp tác với BYD, tương lai của hãng xe này tại Việt Nam vẫn còn là một ẩn số thực sự.