Thông tin tại Hội nghị giao ban công tác tháng 5, triển khai chương trình công tác tháng 6 do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5 tiếp tục giảm sút.
Theo đó, số thu ngân sách lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 5 đạt 152.942 tỷ đồng, bằng 36% dự toán và giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về nguyên nhân số thu tháng 5 thấp hơn tháng 4, theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng có số thu lớn giảm.
Cụ thể, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 7,6 nghìn chiếc, trị giá đạt 189,5 triệu USD, giảm 37,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá, làm giảm thu 1.287 tỷ đồng; sắt thép các loại đạt 675 nghìn tấn, trị giá đạt 555 triệu USD, giảm 22,1% về lượng và giảm 16,7% về trị giá, làm giảm thu 253 tỷ đồng. Hay nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 166 triệu USD, giảm 27,1%, làm giảm thu 180 tỷ đồng.
Hiện các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) giảm chỉ tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, đặc biệt là các ngành như: dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại...
Những yếu tố này dẫn đến tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 260,79 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 47,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu là 135,22 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 18,88 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu là 125,57 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 28,29 tỷ USD). Dù vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng năm 2023 thặng dư 9,65 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 240 triệu USD của cùng kỳ năm trước.
Những khó khăn đã tác động khiến tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước trong 5 tháng đầu năm giảm 19,73%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế giảm 19,6% và kim ngạch nhập khẩu chịu thuế giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Cục Thuế xuất nhập khẩu, trong 5 tháng đầu năm, một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm mạnh như nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô…
Các nhóm hàng này chiếm tỷ trọng 30% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế nhưng lại giảm sâu 31% so với cùng kỳ, làm giảm thu ngân sách khoảng 15.550 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, nhóm xăng dầu nhập khẩu chỉ đạt 3,2 triệu tấn, trị giá đạt 2,67 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng và giảm 19,6% về trị giá, làm giảm thu khoảng 3.174 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Do kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất giảm mạnh nêu trên khiến số thu ngân sách nhà nước của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố chiếm số thu cao chỉ đạt 134.799 tỷ đồng, bằng 36,2% dự toán, giảm 14,63% so với cùng kỳ năm trước
Trong 10 cục hải quan tỉnh, thành phố, chỉ duy nhất có Cục Hải quan Quảng Ninh ghi nhận số thu ngân sách tăng nhẹ với 3,99% so với cùng kỳ.
Còn lại 9 cục hải quan tỉnh, thành phố ghi nhận mức giảm mạnh, điển hình như Cục Hải quan Đồng Nai giảm tới 32,45% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến cuối tháng 5, Cục Hải quan Đồng Nai mới thu ngân sách đạt 7.599 tỷ đồng và hoàn thành trên 33% dự toán được giao.
Đề xuất giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết từ nay đến cuối năm ngành hải quan sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua biên giới đang vào vụ hiện nay.
Bên cạnh đó, ngành hải quan tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc hoàn thuế nhập khẩu, rút ngắn thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp... Ngoài ra, cơ quan hải quan sẽ tăng cường các giải pháp về chống buôn lậu, gian lận hàng hóa; tăng cường công tác thu, rà soát nợ đọng thuế…