April 19, 2023 | 15:22 GMT+7

Có 90% doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan ở mức thấp hoặc không tuân thủ

Trâm Anh -

Theo Tổng cục Hải quan, tại thời điểm tháng 9/2022, trong số 190 nghìn doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thì chỉ 10% tuân thủ ở mức trung bình và cao. Đây là lý do để cơ quan này ban hành chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan...

Chương trình đặt ra mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2, 3.
Chương trình đặt ra mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2, 3.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022 về chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

TRÊN 200 DOANH NGHIỆP THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH THÍ ĐIỂM

Thời điểm công bố chương trình vào tháng 9/2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ có 10% doanh nghiệp tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Đáng quan ngại, có đến gần 90% doanh nghiệp đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường đánh giá chương trình nhận được sự thu hút, quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng của các đơn vị trong ngành. Được triển khai từ tháng 9/2022, sau 6 tháng thực hiện, chương trình đạt được mục tiêu ban đầu về số lượng doanh nghiệp tham gia.

 

Sau 6 tháng thực hiện, chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đạt được mục tiêu ban đầu về số lượng doanh nghiệp tham gia. Tính đến ngày 31/3 đã có 207 doanh nghiệp tham gia chương trình tại 34/35 cục hải quan; 26 cục hải quan đã hoàn thành việc ký kết biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp.

Tính đến ngày 31/3 đã có 207 doanh nghiệp tham gia chương trình tại 34/35 cục hải quan; 26 cục hải quan đã hoàn thành việc ký kết Biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp.

Về cơ bản, các cục hải quan đã triển khai thực hiện các nội dung hướng dẫn theo Công văn 4470/TCHQ-QLRR ngày 25/10/2022 bao gồm: thực hiện tuyên truyền, phổ biến chương trình; ghi nhận tư cách thành viên trên hệ thống; xây dựng kế hoạch hành động và báo cáo định kỳ; thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp thành viên chương trình để kịp thời xử lý vướng mắc...

Cũng theo Tổng cục Hải quan, đến nay, 34 cục hải quan hoàn thành xây dựng kế hoạch hành động với doanh nghiệp; 32 cục hải quan hoàn thành việc thực hiện thông báo định kỳ cho doanh nghiệp.

Toàn ngành cũng ghi nhận 80 đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các doanh nghiệp và 100% các đề nghị này đã được cục hải quan tỉnh, thành phố xử lý, hỗ trợ, giải đáp và doanh nghiệp không phát sinh thêm vướng mắc.

Đáng chú ý, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, 147 doanh nghiệp không thay đổi mức độ tuân thủ; trong khi đó, 42 doanh nghiệp được nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, mức 4 sang mức 2, mức 3, tương đương 20% số doanh nghiệp tham gia và tập trung vào các nhóm doanh nghiệp có hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu…

Theo đánh giá, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, chương trình có ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hải quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

MỞ RỘNG SỐ LƯỢNG DOANH NGHIỆP THAM GIA

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục Hải quan đánh giá chương trình cũng phát sinh một số bất cập như: nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia chương trình nhưng chưa thuộc diện được mời; công tác tuyên truyền đến doanh nghiệp chưa được thường xuyên, liên tục do vậy doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ các lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia chương trình...

Theo đại diện Cục Quản lý rủi ro, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục hướng dẫn chỉ đạo, đôn đốc các cục hải quan địa phương; đồng thời kịp thời báo cáo, đề xuất xử lý tình huống xảy ra trong thời gian triển khai chương trình; tăng cường nắm tình hình triển khai thực tế tại các cục hải quan, chi cục hải quan để nắm bắt cụ thể các khó khăn vướng mắc để kịp thời điều chỉnh, nhắc nhở, thông báo các trường hợp cục hải quan không thực hiện.

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị để đẩy mạnh tuyên truyền, cụ thể hóa lợi ích của doanh nghiệp thành viên chương trình hơn nữa để thu hút doanh nghiệp tham gia chương trình; nghiên cứu, xây dựng giáo trình, tổ chức lớp tập huấn phòng tránh vi phạm trong lĩnh vực hải quan cho doanh nghiệp.

"Tiếp tục mở rộng doanh nghiệp tham gia chương trình, xây dựng các tiêu chí trên cơ sở lựa chọn các doanh nghiệp có rủi ro trung bình, có nguy cơ thấp về việc để xảy ra phạm các hành vi vi phạm bị thu hồi tư cách thành viên chương trình thấp", Tổng cục Hải quan thông tin.

Tại cuộc họp, đại diện các Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đồng Nai cũng báo cáo kết quả triển khai chương trình và có đề xuất, kiến nghị để triển khai chương trình trong thời gian tới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường lưu ý một số nội dung trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như: xem xét mở rộng số lượng doanh nghiệp tham gia; sửa đổi tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cho phù hợp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; tăng cường công tác phối hợp; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chương trình, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp...

"Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là nhiệm vụ của của ngành hải quan nên các đơn vị phải thể hiện vai trò chủ động hơn nữa trong tuyên truyền, phổ biến, lựa chọn, tiếp cận, hỗ trợ để doanh nghiệp thấy được lợi ích do chương trình mang lại, tạo hiệu ứng tốt và lan tỏa chương trình cho doanh nghiệp", lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

 

Theo Điều 10 Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 25/11/2019 quy định việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan theo 5 mức độ tương ứng với khuyến nghị từ 1 đến 5. Theo đó, mức 1: doanh nghiệp ưu tiên; mức 2: tuân thủ cao; mức 3: tuân thủ trung bình; mức 4: tuân thủ thấp; mức 5: không tuân thủ.

Ngoại trừ mức độ 1 là doanh nghiệp ưu tiên, với các mức độ tuân thủ còn lại, số lần bị xử phạt vi phạm hành chính là tiêu chí tác động chủ yếu, tác động khoảng 80% đến kết quả đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp.

Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate