Điển hình trong đó nổi lên các tên tuổi như GS. Richard Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nguyên Giám đốc Chương trình Winton về Vật lý Bền vững của Trung tâm Maxwell thuộc Đại học Cambridge (Vương Quốc Anh). Ông sở hữu hơn 140 bằng sáng chế và là tác giả/đồng tác giả của hơn 1.100 ấn phẩm khoa học uy tín với hơn 200.000 trích dẫn. Ông là Chủ nhân Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ– Millennium Technology Prize năm 2010 cho phát minh trong lĩnh vực điện tử nhựa.
GS. Teck-Seng Low- Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là một trong những nhà khoa học nổi tiếng bậc nhất thế giới trong lĩnh vực bán dẫn. Ông được ví như “hiệp sĩ” dẫn dắt ngành công nghiệp bán dẫn của Singapore. Ông đóng vai trò là người quản lý, thúc đẩy và đưa ra tiếng nói quyết định trong việc vạch ra lộ trình nghiên cứu phát triển công nghiệp bán dẫn tại đảo quốc sư tử.
Năm 2007, ông được Tổng thống Singapore trao tặng Huân chương Vàng với những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của giáo dục kĩ thuật và quản lí khoa học, công nghệ quốc gia. Năm 2016, GS Low được Chính phủ Pháp phong tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh với cấp bậc Hiệp sĩ (Chevalier).
Không chỉ nổi tiếng ở khu vực châu Á, GS. Teck-Seng Low cũng là nhà khoa học uy tín trên thế giới trong ngành công nghiệp được đánh giá là động lực của nền kinh thế giới. Giáo sư Low sẽ có những kiến giải tại tọa đàm chuyên đề về “công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” ngày 18/12, nằm trong chuỗi tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”.
Cũng góp mặt trong phiên tọa đàm về công nghệ bán dẫn ngày 18/12 cùng GS Low là TS. Sadasivan (Sadas) Shankar- một tên tuổi nổi tiếng đã đặt nền móng cho quá trình tối ưu thiết kế chất bán dẫn thế giới.
Ông hiện là Quản lý Nghiên cứu- Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford, Mỹ. Đặc biệt, vị tiến sỹ nổi tiếng là người đã khởi xướng và lãnh đạo chương trình Thiết kế vật liệu tại Intel từ năm 2006. Đây là nền móng giúp tối ưu hóa quá trình xử lí chất bán dẫn và hiệu suất năng lượng, từ đó làm nên hệ thống vi mạch có kích thước nhỏ, tiết kiệm năng lượng như hiện tại.
TS. Shankar hiện đang giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu thế giới: Đại học Stanford, Đại học Harvard, Đại học Cambridge, Đại học California tại Los Angeles, Viện Công nghệ Massachusetts, Viện Công nghệ California…
Cũng trong lĩnh vực này còn có GS. Vivian Yam, Giáo sư Philip Wong Wilson Wong về Hóa học và Năng lượng và Giáo sư Chủ nhiệm Hóa học tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc). Bà được bầu làm Thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Thành viên Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, Thành viên Quốc tế của Viện Hàn lâm Europaea, Thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) và Thành viên sáng lập của Học viện Khoa học Hồng Kông. Bà là chủ nhân giải thưởng L’Oreal - UNESCO Vì Phụ nữ trong Khoa học năm 2011.
Cùng đó là GS. Albert Pisano, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs thuộc Đại học California San Diego (Hoa Kỳ), từ tháng 9 năm 2013. Ông sở hữu hơn 20 bằng sáng chế trong lĩnh vực vi cơ điện tử (MEMS) và là đồng tác giả của hơn 500 ấn phẩm khoa học. Năm 2001, GS. Pisano được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học- Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ vì những đóng góp trong thiết kế, chế tạo, thương mại hóa và các khía cạnh giáo dục của MEMS.
GS Nguyễn Thục Quyên , Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) và Giáo sư Khoa Hóa học và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ). Bà đã nhận được Giải thưởng Genes năm 2023 của Hiệp hội Hoá học Hoàng gia Anh vì những tiến bộ trong công nghệ thân thiện với môi trường. Bà cũng được trao Huân chương Wilhelm Exner 2023 vì những đóng góp quý báu thông qua việc phát triển pin mặt trời hữu cơ, giúp tác động trực tiếp đến nền kinh tế tương lai.
Ngoài điện tử bán dẫn, Tuần lễ khoa học và công nghệ còn có sự hiện diện của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) miễn dịch học, cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh…