November 03, 2023 | 00:00 GMT+7

Nhiều nghịch lý trong giải ngân vốn đầu tư công, tránh áp lực giải ngân bằng mọi giá

Ánh Tuyết -

Những vướng mắc, nghịch lý trong công tác giải ngân vốn đầu tư công được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, nổi bật là việc chuẩn bị đầu tư yếu kém dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, lại có những đơn vị phân bổ vốn chậm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân...

Dù phải đẩy nhanh tiến độ nhưng các đại biểu lưu ý tránh áp lực giải ngân bằng mọi giá, không để trục lợi, tham nhũng.
Dù phải đẩy nhanh tiến độ nhưng các đại biểu lưu ý tránh áp lực giải ngân bằng mọi giá, không để trục lợi, tham nhũng.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 ngày 2/11, đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, từ khâu chuẩn bị dự án đến khâu tổ chức thực hiện, thi công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ YẾU KÉM, VỐN CHỜ DỰ ÁN

Nêu rõ những vướng mắc trong Luật Đầu tư công và một số luật liên quan, Đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án.

Theo đại biểu, tỷ lệ giải ngân muốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 có cải thiện so với các năm trước về số tuyệt đối cao hơn so với năm trước nhưng chưa đạt như yêu cầu. Do đó, cần tiếp tục chấn chỉnh, có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công như trong báo cáo của Chính phủ đã nêu.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu rõ công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch đầu tư hàng năm còn chậm và thiếu chủ động, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án.
Đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu rõ công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch đầu tư hàng năm còn chậm và thiếu chủ động, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án.

Qua giám sát thực tế, đại biểu Triệu Quang Huy cũng nêu một số vướng mắc cụ thể, trong đó, công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch đầu tư hàng năm còn chậm và thiếu chủ động, công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công...

Đặc biệt, "về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án ODA chuyển tiếp, một số nội dung chưa được quy định chi tiết tại Luật Đầu tư công và các văn bản quy định hiện hành, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình rà soát thực hiện các thủ tục đầu tư đối với dự án ODA", ông Huy nêu rõ.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng; công tác tổng hợp thẩm định, giao kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện của các bộ ngành trung ương có lúc chưa kịp thời.

Về thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, đánh giá cao các bộ ngành, địa phương thực hiện kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, việc thực hiện vốn đầu tư công còn hạn chế như: việc lập kế hoạch chưa sát với thực tiễn, phải điều chỉnh nhiều lần, nhiều nguồn vốn chưa được phân bổ làm ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án quan trọng. Do đó, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm hơn đến những nội dung này...

 
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: Quochoi.vn.

"Một số cơ quan, địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn nên tình trạng đề xuất trả lại vốn vẫn còn. Nhiều dự án do lập, thẩm định, phê duyệt còn kéo dài, chưa sát với thực tiễn nên còn điều chỉnh nhiều lần. Còn 6,5% kế hoạch vốn chưa được phân bổ đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch vốn và tiến độ giải ngân. Tiến độ thi công nhiều dự án chưa đảm bảo, một số dự án, chương trình giải ngân đạt tỷ lệ còn thấp, dưới 50%".

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần phải có biện pháp cụ thể và nỗ lực quyết tâm hơn nữa.

Về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024, tổng vốn đầu tư công theo nhu cầu lớn nhưng dự kiến kế hoạch đáp ứng được trên 88% nhu cầu và thấp hơn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 trong khi tổng thu ngân sách tăng.

Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cân nhắc đảm bảo vốn đầu tư công năm 2024 tăng hoặc bằng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nhằm tăng vốn đầu tư công, hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

TRÁNH TRỤC LỢI, GIẢI NGÂN BẰNG MỌI GIÁ

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng việc đầu tư công thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc cần được sớm tháo gỡ. Do đó, cần xác định nguyên nhân, hạn chế để đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công cần tập trung vào việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

"Vốn đầu tư công cần được thực hiện đúng mục đích, đạt hiệu quả, tránh lợi dụng nguồn vốn để trục lợi", ông Trí lưu ý.

Cũng theo đại biểu, thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh.

Đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, lưu ý cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi.
Đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, lưu ý cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi.

Tuy nhiên, phân tích rõ những bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, theo đại biểu Lê Hữu Trí, cho biết từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân đều có vướng mắc.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, nguồn vốn đầu tư còn phân tán, nhiều chương trình chưa ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ các công trình hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng của quốc gia, đường cao tốc, đường ven biển, đường liên vùng nhằm tạo tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

Đáng nói, việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công, dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nề nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Chính vì vậy, đối với công tác này cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm 2023 mà kéo dài từ nhiều năm trước.

Việc xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến các tồn tại, hạn chế kéo dài để có các giải pháp có hiệu quả hơn nhằm để nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, các công trình trọng điểm, ba chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy vai trò của đầu tư công là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà tổng cầu của thế giới và trong nước sẽ giảm.

"Vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá", ông Trí nêu rõ.

Điều này càng có ý nghĩa khi mà nguồn lực của đất nước có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật xã hội là rất lớn để đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate