Đó là khẳng định của ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, tại Diễn đàn xuất khẩu với chủ đề: “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Việt Nam Interational Sourcing 2023), diễn ra từ ngày 13-15/9 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn sáng 13/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết Diễn đàn xuất khẩu 2023, cùng các hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Viet Nam International Sourcing Expo là chuỗi sự kiện được Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.HCM đồng chủ trì nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, 8 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 435,23 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD giúp Việt Nam đạt xuất siêu 20,19 tỷ USD. Tuy xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.
“Để đạt được những thành tích nổi bật đó, chúng ta không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng, tích cực của các hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ ngoại thương, áp dụng nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu và đẩy mạnh xuất nhập khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Theo báo cáo của Access Partnership, kim ngạch xuất khẩu bán lẻ B2C Việt Nam ước đạt 3,5 tỷ USD năm 2022. Gần 10 triệu sản phẩm “Made-in-Vietnam” đã được bán ra trên Amazon trong 12 tháng. Số lượng các nhà bán hàng Việt trên Amazon tăng trưởng đến 80%. Từ đó, cho thấy tiềm năng lớn của thương mại điện tử xuyên biên giới trong tăng trưởng xuất khẩu nói chung.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết xuất khẩu là mũi nhọn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, đây là thời điểm cất cánh xuất khẩu bằng cách thúc đẩy số hoá và đẩy nhanh ứng dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu, để không dừng lại chỉ ở gia công và xuất khẩu sản phẩm mà còn xuất khẩu chính thương hiệu của mình.
Tuy nhiên, để đạt được tăng trưởng bền vững trong dài hạn, ông Gijae Seong cho rằng các doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận toàn diện. Cụ thể, doanh nghiệp cần làm chủ tiềm lực sản xuất, nắm rõ môi trường xuất khẩu bán lẻ B2C và tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu… Đó là chìa khoá giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tăng cơ hội thành công với xuất khẩu trực tuyến.
Những năm vừa qua, Amazon Global Selling hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi xuất khẩu thông qua thương mại điện tử cho các doanh nghiệp. Cụ thể, hàng loạt hoạt động được triển khai nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất trong nước xây dựng và xuất khẩu thương hiệu riêng, tìm kiếm các đối tác cung ứng phục vụ xuất khẩu như cập nhật kiến thức về thương mại điện tử xuyên biên giới trên toàn cầu; Tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ cách thức tiếp cận và tận dụng các nguồn lực, công cụ, giải pháp từ Amazon cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước; Các sáng kiến và hoạt động nhằm kết nối các đối tác bán hàng, nhà sản xuất và các đơn vị cung cấp dịch vụ…
Được biết, diễn đàn xuất khẩu năm nay ghi nhận sự quan tâm và tham dự của các tập đoàn lớn trên thế giới như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuỵ điển), LuLu (UAE)… cùng hàng trăm doanh nghiệp, nhà thu mua quốc tế tới từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.