January 02, 2022 | 20:05 GMT+7

Nhìn lại bước ngoặt từ Nghị quyết 128

Nguyễn Quốc Uy

Giữa lúc tưởng chừng như bế tắc ấy, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ra đời (ký ban hành ngày 11 tháng 10 năm 2021), tạo ra bước ngoặt, mở được “cửa thoát hiểm”, với quyết sách quan trọng trong phòng chống dịch là chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”...

Gần 4.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sau Nghị quyết 128.
Gần 4.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sau Nghị quyết 128.

Không thể đón chào Năm mới 2022 trong không khí nô nức, phấn khởi, vì vẫn còn đó nỗi đau từ hậu quả dịch Covid-19, với hơn 32.000 đồng bào ta thiệt mạng, trong số hơn 1,7 triệu ca lây nhiễm, cùng cả nghìn trẻ mồ côi, và những thiệt hại không thể lượng hóa hết về kinh tế - xã hội, nhưng mừng vì một năm “hoạn nạn” đã qua và hy vọng năm 2022 này sẽ bừng sáng, mọi sự đều tốt đẹp hơn.

Nhìn lại năm 2021 vẫn thấy “rùng mình” vì những gì mà đợt dịch Covid-19 thứ tư gây ra cho đất nước, nhất là ở thời điểm tháng 8 và tháng 9, khi nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với các điểm nóng là TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, lún sâu vào “hố đen” của “bão” dịch, với cả chục nghìn ca lây nhiễm và hàng trăm người chết mỗi ngày. Tình hình “nước sôi lửa bỏng” khi ấy đã buộc lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải quyết định chọn giải pháp hy sinh một phần lợi ích kinh tế - xã hội để tập trung phòng chống dịch bằng các biện pháp cứng rắn và quyết liệt, vì trước hết và trên hết, phải lo bảo đảm an toàn sinh mạng cho người dân.

Đó là các biện pháp tình thế “cực chẳng đã”.

Tình hình dịch bệnh và ách tắc sản xuất kinh doanh từ giữa đến cuối quý III đã có lúc tưởng chừng làm cho nền kinh tế “nghẹt thở”. Các bệnh viện quá tải; nhiều thày thuốc kiệt sức; số ca lây nhiễm, số người chết vì Covid-19 cứ tăng từng ngày, trong khi các biện pháp chống dịch cứng nhắc thái quá theo mệnh lệnh hành chính lại vô hình trung trở thành “rào cản” ngăn trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Hàng chục nghìn doanh nghiệp khác phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động. Hệ lụy là nền kinh tế lâm vào trạng thái “cài số lùi”, khiến tốc độ tăng trưởng GPD quý III bị âm 6,17%, mức thấp nhất trong vòng hơn hai thập kỷ, kể từ năm 2000, khi Việt Nam bắt đầu tính và công bố GDP theo quý.

Giữa lúc tưởng chừng như bế tắc ấy, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ra đời (ký ban hành ngày 11 tháng 10 năm 2021), tạo ra bước ngoặt, mở được “cửa thoát hiểm”, với quyết sách quan trọng trong phòng chống dịch là chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Chính bước ngoặt này đã mở ra hướng mới trong công tác phòng chống dịch, vẫn ưu tiên bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhưng không gây ách tắc cho sản xuất, kinh doanh.

Thực tế gần 3 tháng qua cho thấy, dịch Covid-19 vẫn được đặt trong tầm kiểm soát, dẫu số ca lây nhiễm được thông báo ở mức 4, rồi 5 con số mỗi ngày, thậm chí có ngày đã “cán mốc” 17.000 (ngày 30/12), vượt mức đỉnh hồi quý III (14.922 ca, ngày 3/9), nhưng cả xã hội lại ở trong tâm trạng khác hẳn, bình tĩnh, tự tin ứng phó với dịch bệnh, đồng thời khẩn trương phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, với tinh thần “chạy nước rút” cuối năm, làm sáng dần bức tranh kinh tế năm 2021, mà hồi quý III đã tối màu.

Đặt trong tương quan so sánh mức độ khốc liệt của dịch bệnh năm 2021 với năm 2020, mới thấy nỗ lực phi thường mà cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, cùng toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các lực lượng tuyến đầu, đã phấn đấu để từng bước kiểm soát được dịch bệnh và đạt được những chỉ số kinh tế ngoài mong đợi, trong bối cảnh đất nước lâm dịch.

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,58%, chỉ thấp hơn năm 2020 có 0,33 điểm phần trăm. Kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn lập kỷ lục mới với 668,5 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD (năm thứ sáu xuất siêu liên tiếp). Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 - mức tăng thấp nhất 5 năm trở lại đây...

Trên đây chỉ là vài số liệu trong dữ liệu thống kê kinh tế năm 2021, nhưng đó là những “con số biết nói”, như người ta thường ví.

Trong bối cảnh dịch bệnh gây nhiều thiệt hại nặng nề chưa từng có như năm ngoái, những con số thống kê này, tuy chưa phải là những con số reo vui (ngoại trừ kỷ lục kim ngạch xuất nhập khẩu), nhưng cũng khiến xã hội an lòng.

Những kết quả kinh tế - xã hội trong năm 2021 đầy khó khăn, thách thức, dẫu còn nhiều chỉ tiêu kế hoạch không đạt được, nhưng vẫn sẽ là “bàn đạp” tạo đà cho nền kinh tế phát triển trong năm 2022 này.

Không thể có được những kết quả như vậy, nếu không có bước ngoặt do Nghị quyết 128 tạo ra.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate