August 31, 2023 | 07:00 GMT+7

Những chính sách kinh tế - xã hội nổi bật có hiệu lực trong tháng 9/2023

Phạm Nhật Minh

Tháng 9/2023 có nhiều chính sách mới có hiệu lực, trong đó có những chính sách liên quan kinh tế cũng như an sinh xã hội có hiệu lực…

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.
Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Một loạt chính sách mới chính sách liên quan đến công chức, viên chức đến kinh tế như: quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; quy định mới về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử; trường hợp tổ chức tín dụng không được cho vay… sẽ có hiệu lực chính thức từ tháng 9/2023.

CHÍNH SÁCH VỀ TRỢ CẤP, PHỤ CẤP, NHÂN SỰ, VIỆC LÀM CÓ HIỆU LỰC

Nâng mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi với người có công:

Có hiệu lực từ ngày 5/9/2023, Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạngtrợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh loại B; mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Thay đổi cách đánh giá công chức, viên chức:

Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định mới có hiệu lực từ 15/9, với 5 điểm mới trong trong đánh giá công chức, viên chức.

Giao dịch tại Văn phòng Bảo hiểm xã hội Quảng Nam. Ảnh: Văn Dũng
Giao dịch tại Văn phòng Bảo hiểm xã hội Quảng Nam. Ảnh: Văn Dũng

Nghị định bổ sung hướng dẫn xếp loại công chức, viên chức bị kỷ luật Đảng. Quy định cũ tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 90/2020/NĐ-CP chỉ nêu sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để liên thông đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên. Điểm mới trong đánh giá công chức từ 15/9/2023 đã bổ sung chi tiết hướng dẫn xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã bị kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính.

Nghị định sửa tiêu chí xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, một trong các tiêu chí làm căn cứ xếp loại cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đã được sửa từ “có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá” thành “có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá”.

Từ 15/9/2023, không còn giới hạn những hành vi bị kỷ luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ nữa mà trong bất cứ trường hợp nào, khi bị kỷ luật trong năm đánh giá thì cán bộ, công chức, viên chức đều có thể bị xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Tăng trợ cấp hằng tháng cho cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc:

Theo Thông tư số 11/2023/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/9/2023, từ ngày 1/7/2023, điều chỉnh tăng thêm 12,5% mức trợ cấp hằng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 42/2023/NĐ-CP.Theo đó, mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ 1/7/2023 tính theo công thức:

Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 1/7/2023 = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 x 1,125.

Nếu sau khi điều chỉnh mà mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh tăng thêm như sau:

Những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng dưới 2,7 triệu đồng/người/tháng: Được tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng;

Những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng từ 2,7 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng: Được tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng.

Do đó, căn cứ theo quy định trên, mức hưởng trợ cấp hàng tháng từ 1/7/2023 (đã làm tròn số) đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc cụ thể là:

Cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: mức 3 triệu đồng/tháng;

Các chức danh còn lại: ở mức 2,817 triệu đồng/tháng

CHÍNH SÁCH MỚI LIÊN QUAN ĐẾN KINH TẾ CÓ HIỆU LỰC

Quy định mới về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 14/2023/TT-BGTVT ngày 30-6-2023 quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt.

Theo Thông tư 14/2023/TT-BGTVT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện được quy định như sau:

1-Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, trừ trường hợp theo quy định.

2- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị nêu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trên đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị theo quy định của Thông tư này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tư nêu rõ, trường hợp không cấp, không cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu và nêu rõ lý do. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1-9-2023.

Bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28-6-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Trong đó, Thông tư bổ sung Mục 3 Chương II hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử.

Theo Thông tư quy định, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, đặc điểm của khoản vay, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý rủi ro và các văn bản pháp luật có liên quan.

Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử phải tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Tổ chức tín dụng phải lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, bảo mật và được sao lưu dự phòng bảo đảm tính đầy đủ, toàn vẹn của hồ sơ cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết hoặc để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Tổ chức tín dụng tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau:

- Có giải pháp, công nghệ kỹ thuật bảo đảm tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu;

- Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu; có biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu;

- Có biện pháp theo dõi, nhận dạng, đo lường và kiểm soát rủi ro; có phương án xử lý rủi ro;

- Phân công trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, bộ phận có liên quan trong hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2023.

Tuy nhiên, ngày 23/8/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1 tháng 9 năm 2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này. 

Hướng dẫn sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 52/2023/TT-BTC ngày 8-8-2023 hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Thông tư, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng các quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Thông tư này bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên, bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách; nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.

Đối với nguồn ngân sách nhà nước: Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện thông qua dự toán ngân sách nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy trình lập, quyết định, giao dự toán, chấp hành và kế toán, kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng, nội dung chi, định mức chi, mức hỗ trợ và nguyên tắc thực hiện hỗ trợ quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Việc hỗ trợ căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực và định hướng ưu tiên hỗ trợ trong từng thời kỳ của ngân sách nhà nước hằng năm.

Đối với nguồn đóng góp, tài trợ: Việc huy động, quản lý, thanh quyết toán kinh phí phải tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp có thỏa thuận với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về việc sử dụng khoản đóng góp, tài trợ chi trả cho phần ngân sách nhà nước hỗ trợ thì thực hiện theo đúng thỏa thuận.

Nguyên tắc xác định chi phí như sau: Đối với nội dung chi có quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức tại các văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì xác định chi phí theo đúng chế độ quy định.

Đối với nội dung chi chưa có quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức: Xác định chi phí căn cứ trường hợp cụ thể, tính chất, phạm vi và các yếu tố liên quan, có tham khảo chi phí tương tự đã thực hiện trong thời hạn 12 tháng (nếu có) tính đến thời điểm xác định chi phí.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23-9-2023.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate