May 04, 2022 | 12:55 GMT+7

Du lịch Đông Nam Á hy vọng phục hồi nhờ “du khách phục thù”

Tường Bách -

Du lịch Đông Nam Á đã tăng trưởng nhanh trở lại sau khi các biện pháp hạn chế biên giới dần được dỡ bỏ. Các quốc gia cũng tung ra nhiều chương trình, lễ hội du lịch nhằm thu hút du khách và đón đầu các xu hướng mới nảy sinh từ đại dịch…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo trang Bloomberg, lượng đặt vé máy bay đang tăng sau khi các điểm đến du lịch nổi tiếng, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... cho phép nhập cảnh miễn kiểm dịch đối với các du khách đã tiêm phòng Covid-19. Lượng tìm kiếm thông tin liên quan đến du lịch Đông Nam Á trên Google cũng đã tăng vọt, đặc biệt là từ các nước Ấn Độ và Úc, theo dữ liệu của các nhà kinh tế tại Ngân hàng đầu tư Maybank (Malaysia).

NHỮNG CON SỐ MANG ĐẾN NIỀM VUI

Lượng tìm kiếm trên Google liên quan đến du lịch Singapore tăng 20% kể từ tuần cuối cùng của tháng 3. Sân bay Changi ở Singapore đã đón 1,14 triệu lượt hành khách đến làm thủ tục trong tháng 3. Đây là lần đầu tiên con số này vượt mốc 1 triệu kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Theo Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore, tính đến ngày 17/4, lượng hành khách đến Singapore bằng đường hàng không đạt 400.000 (tương đương 31% mức trước đại dịch) sau khi nước này dỡ bỏ hầu hết hạn chế đối với du khách đã tiêm phòng đầy đủ vào đầu tháng 4.

Dự kiến có khoảng 307 chuyến bay mỗi tuần từ Malaysia đến Singapore vào cuối năm, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm nay, theo dữ liệu của BloombergNEF. Các chuyến bay từ Indonesia đến đảo quốc Sư tử cũng sẽ tăng 4 lần từ 55 lên 222, trong khi đó, các chuyến bay từ Ấn Độ sẽ đạt 190 chuyến so với 100 chuyến vào hồi đầu năm 2022.

Còn tại Thái Lan, số lượng du khách nước ngoài trong tháng 3 đã tăng 38% so với tháng 2. Theo Trung tâm Quản lý tình hình Covid-19 của Thái Lan, từ ngày 1 đến 27/4, lượng du khách nước ngoài đến Thái Lan đạt 358.364 người, trong đó, du khách Singapore chiếm phần lớn, tiếp theo là du khách đến từ Anh, Ấn Độ, Đức và Úc. Cơ quan Du lịch Thái Lan đang hy vọng có thể thu hút ít nhất 1 triệu khách du lịch/tháng vào cuối năm 2022 khi thời kỳ cao điểm du lịch tiếp theo bắt đầu ở nước này.

Đây là một tín hiệu khởi sắc đối với ngành dịch vụ không khói của Thái Lan trong bối cảnh sẽ có thêm một số hạn chế nhập cảnh tiếp tục được dỡ bỏ ở nước này trong ngày 1/5, trong đó có quy định bỏ yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR khi đến đối với du khách đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này sẽ góp phần hồi sinh lại ngành du lịch của đất nước Chùa Vàng sau hơn 2 năm đại dịch đầy khó khăn.

Lượng tìm kiếm thông tin liên quan đến du lịch Đông Nam Á trên Google đã tăng vọt trong 2 tháng vừa qua.
Lượng tìm kiếm thông tin liên quan đến du lịch Đông Nam Á trên Google đã tăng vọt trong 2 tháng vừa qua.

Cùng chung xu thế với Thái Lan, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cũng đã mang khách du lịch trở lại với một số nước trong khu vực như Indonesia. Trong tháng 3, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch tại Indonesia đang tiến gần đến mức phục hồi hoàn toàn (94%). Vào ngày 5/4 vừa qua, nước này đã cấp thị thực nhập cảnh cho du khách từ 43 quốc gia.

Đây cũng là xu thế chung tại nhiều nước Đông Nam Á khác như Philippines, Malaysia, Việt Nam... Malaysia cũng thông báo nới lỏng hầu hết quy định phòng dịch Covid-19 từ ngày 1/5, trong đó người đã tiêm chủng đầy đủ không cần xét nghiệm trước khi lên máy bay đến nước này. "Tháng 4 là tháng rất quan trọng đối với Đông Nam Á. Sự lạc quan đã trở lại, mọi người đang suy nghĩ và nói về việc đi du lịch theo cách chưa từng có trước đây," ông Gary Bowerman, chuyên gia Công ty Nghiên cứu du lịch và lữ hành Check-in Asia, nhận định.

CÁC ĐIỂM ĐẾN NỖ LỰC “KÉO” DU KHÁCH

Châu Á từng được xem là khu vực áp dụng biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19 nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, cùng với xu thế chung  khi thế giới đang dần bao phủ vaccine, nhiều nước đã bắt đầu mở cửa trở lại để đáp ứng nhu cầu đi lại và du lịch của người dân. Đây chính là tiền đề để ngành du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch Đông Nam Á nói riêng dần hồi sinh mạnh mẽ trở lại, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực và thế giới.

 
ForwardKeys dự báo, 1/3 du khách đến Đông Nam Á trong năm 2022 là từ châu Âu, tăng 22% so với 2019; du khách Bắc Mỹ cũng tăng hơn gấp đôi, lên 21% so với 9% của năm 2019.

Dù vậy, ngành du lịch Đông Nam Á còn đối mặt với nhiều khó khăn. Giá vé máy bay đắt hơn do giá dầu tăng cao có thể kìm hãm phần nào đà phục hồi của ngành du lịch. Bên cạnh đó, số lượng chuyến bay đến Đông Nam Á còn hạn chế do các hãng bay chưa nối lại hoàn toàn các dịch vụ của họ. Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới, trong khi đó, Hồng Kông vẫn duy trì chính sách cách ly bắt buộc kéo dài 1 tuần ngay cả đối người trở về.

Hannah Pearson, Giám đốc Công ty tư vấn du lịch Pear Anderson, có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia), nhận định: “Sự hồ hởi ban đầu sẽ tắt dần. Những tháng sau đây, tôi nghĩ rằng du khách vẫn còn khá lo lắng khi họ chọn điểm du lịch và họ sẽ tìm kiếm những nơi dễ đi nhất, thuận tiện nhất và có vẻ an toàn phòng dịch”.

Du lịch và lữ hành là những trụ cột quan trọng để củng cố nền kinh tế của các nước Đông Nam Á. Trước đại dịch Covid-19, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngành công nghiệp không khói này trị giá 380 tỷ đô la, chiếm 12,1% GDP của khu vực. Với các chính sách nới lỏng hạn chế đi lại, các nước Đông Nam Á hiện đặt kỳ vọng vào những “du khách phục thù” háo hức xê dịch để bù đắp cho khoảng thời gian vừa qua.

Sự lạc quan đã trở lại, mọi người đang suy nghĩ và nói về việc đi du lịch theo cách chưa từng có trước đây.
Sự lạc quan đã trở lại, mọi người đang suy nghĩ và nói về việc đi du lịch theo cách chưa từng có trước đây.

Do đó, bên cạnh việc nới lỏng chính sách nhập cảnh, các quốc gia Đông Nam Á tung ra nhiều chương trình, lễ hội du lịch tầm quốc gia nhằm thu hút du khách và đón đầu các xu hướng mới nảy sinh từ đại dịch. Hướng tới định hướng du lịch “Amazing Thailand New Chapter” (Một chương mới tuyệt vời của du lịch Thái Lan), chính phủ Thái đã xác định các phân ngành có tiềm năng thúc đẩy như: Du lịch kết hợp y tế và sức khỏe, Du lịch xanh; Phát triển hệ thống thông tin và kỹ thuật số nhằm quản lý dữ liệu từng vùng du lịch…

Singapore hiện cũng tung hàng loạt chính sách kích cầu, chẳng hạn: triển lãm mang chủ đề Avatar tại Gardens by the Bay, Khu bảo tồn thiên nhiên Mandai, giới thiệu những ý tưởng ẩm thực mới lạ, các nhà hàng và quán bar được ưa chuộng, những khu phố độc đáo hay trải nghiệm mua sắm “Made with Passion”… Đây cũng là năm đầu tiên Singapore tổ chức Wellness Festival Singapore kéo dài từ ngày 3 - 12/6 với nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người bản địa và du khách. Giải đua xe công thức 1 Formula One  Singapore Grand Prix cũng sẽ trở lại trong năm nay.

Dù mở cửa chậm và phục hồi kém hơn so với thị trường châu Âu nhưng với những chính sách kích cầu quy mô và bài bản như trên, châu Á, đặc biệt là thị trường du lịch Đông Nam Á dự kiến sớm khởi sắc. ForwardKeys dự báo, 1/3 du khách đến Đông Nam Á trong năm 2022 là từ châu Âu, tăng 22% so với 2019; du khách Bắc Mỹ cũng tăng hơn gấp đôi, lên 21% so với 9% của năm 2019.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate