July 26, 2022 | 16:37 GMT+7

Những điều tài xế cần biết về thu phí không dừng ETC trên toàn bộ cao tốc từ 1/8

Khôi Nguyên

Từ ngày 1/8/2022, toàn bộ các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ triển khai thu phí hoàn toàn tự động. Thu phí không dừng (ETC) là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông, vì vậy chủ xe không cần dừng lại tại các BOT để trả tiền.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: VETC.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: VETC.

Các loại thẻ thu phí không dừng

Hiện trên thị trường có hai đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là VETC (do Tasco góp vốn) và VDTC (thuộc Viettel). Hai đơn vị này sẽ quản lý các trạm thu phí không dừng và phát hành thẻ để dán trên ô tô.

VETC quản lý 79 trạm, VDTC quản lý 35 trạm. Thẻ do VETC phát hành mang tên Etag, và thẻ của VDTC là ePass, cả hai đều có tác dụng như nhau.

Dán thẻ thu phí không dừng ở đâu?

Với nhu cầu sử dụng dịch vụ thu phí tự động ngày càng cao, VETC đã triển khai thêm rất nhiều điểm dán thẻ E-tag để luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Dán thẻ thu phí tự động tại các trạm thu phí: Để nâng cao sự tiện lợi, VETC bổ sung đội ngũ dán thẻ ở mỗi BOT giúp khách hàng có thể tiện đường di chuyển, tranh thủ dán trước khi đi qua trạm nếu có nhu cầu.

Dán thẻ thu phí tự động tại các đại lý: Hệ thống đại lý của VETC bao gồm 73 cơ sở trải dài khắp các tỉnh thành phố.

Dán thẻ ETC ở các trung tâm đăng kiểm: Cũng như hệ thống các đại lý, điểm dán VETC ở các trung tâm đăng kiểm cũng phân bố ở các tỉnh thành trên toàn quốc. Với 31 địa điểm ở miền Bắc, 20 địa điểm tại miền Trung và 20 địa chỉ ở miền Nam, VETC chắc chắn khách hàng có thể dễ dàng tìm được điểm đăng ký gần nhất

Tự dán thẻ thu phí không dừng tại nhà: Ngoài 3 hình thức trên, hiện tại VETC hỗ trợ khách hàng tự dán tại nhà. Đây là hình thức tiện lợi nhất bởi khách có thể ở bất cứ đâu, chỉ cần điền thông tin cá nhân tại đây. Nhân viên VETC sẽ gọi điện xác nhận ngay sau đó và gửi thẻ đến địa chỉ khách hàng đã cung cấp.

Tại sao nên sử dụng dịch vụ thu phí không dừng ETC?

Với tài xế: Tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc do không cần dừng lại xếp hàng chờ mua vé; giảm ô nhiễm môi trường nhờ tiết kiệm giấy in, khói bụi; không cần sử dụng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc và dịch bệnh; Tiết kiệm nhiên liệu khi lưu thông trôi chảy Với nhà nước:Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển vì sự phát triển của xã hội; hỗ trợ Nhà nước xây dựng cơ sở dữ liệu giao thông quốc gia; dễ dàng quản lý chi phí, hoạt động của các BOT. Với nhà đầu tư BOT:Minh bạch, tránh thất thoát chi phí bởi các chur BOT dễ dàng đối soát nhờ thông tin lưu lại; tiết kiệm chi phí về con người và in ấn.

Với công nghệ hiện đại, đi qua làn thu phí ETC sẽ nhanh hơn làn thu phí MTC truyền thống khoảng 60 lần.

Cách sử dụng thẻ thu phí tự động không dừng sau khi dán thẻ

Sau khi đơn vị cung cấp dịch vụ đã dán thẻ. Để sử dụng chủ xe cần tải ứng dụng (app) về điện thoại thông minh. Tương tự như các ứng dụng khác, sau khi tải về bạn sẽ được hướng dẫn cài đặt, sử dụng.

Ứng dụng sẽ có các thông tin cơ bản như thông tin về xe, số tiền trong tài khoản, ngày giờ di chuyển qua từng trạm, mức phí của từng trạm và các thông tin có liên quan khác. Nhân viên dán thẻ hỗ trợ khởi tạo để dùng đăng nhập vào app

Để nạp tiền vào tài khoản sử dụng thẻ thu phí tự động không dừng, chủ xe có thể thao tác ngay trên ứng dụng và thanh toán bằng Mobile Banking, VNPay, VNPTePay...

Tùy hình thức, người dùng sẽ mất phí khoảng 0,7-1% khi nạp tiền. Ví dụ, khi sử dụng dịch vụ của VDTC, khách hàng được dán thẻ ePass miễn phí lần đầu. Từ lần thứ hai trở đi, phí dán là 120.000 đồng/thẻ.

Thủ tục để dán thẻ thu phí tự động không dừng

Khi đi đăng ký dán thẻ mở tài khoản, khách hàng lưu ý mang theo những giấy tờ sau: Đối với khách hàng cá nhân cần mang theo chứng minh thư/Thẻ căn cước/Hộ chiếu/Giấy phép lái xe (Hạng B1 trở lên và đăng ký xe, đăng kiểm xe, giấy đề nghị mở tài khoản.

Đối với khách hàng doanh nghiệp cần mang theo: Giấy đăng ký kinh doanh (bản gốc hoặc bản photo công chứng), giấy đề nghị mở tài khoản, đăng ký xe, đăng kiểm xe;

Khách hàng là tổ chức hoặc các Cơ quan/đơn vị hành chính sự nghiệp cần có: Công văn đề nghị mở tài khoản (có dấu đỏ), giấy đề nghị mở tài khoản và đăng ký xe, đăng kiểm xe;

Đối với các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nếu đăng ký dán thẻ cho nhiều xe thì phải có danh sách số lượng xe đề nghị dán thẻ ETC (bản gốc và có xác nhận của doanh nghiệp/tổ chức).

Giấy tờ của khách hàng phải rõ thông tin (họ tên, ngày/tháng/năm sinh, địa chỉ… ) không bị nhàu nát và có hiệu lực.

Đối với giấy tờ xe đề nghị dán thẻ: Trường hợp không có đăng ký gốc, chấp nhận bản sao công chứng hoặc có dấu đỏ xác nhận thế chấp của ngân hàng.

Đối với xe loại 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn) yêu cầu cung cấp đăng ký hoặc đăng kiểm xe: bản gốc hoặc bản photo công chứng, chấp nhận giấy thế chấp ngân hàng có đầy đủ thông tin biển số xe, số khung, số máy.

Đối với các loại xe trên 12 chỗ ngồi (xe chở người), xe có trọng tải lớn hơn 2 tấn (xe chở hàng) và xe chuyên dụng, yêu cầu: bản gốc đăng kiểm xe và đăng ký xe bản gốc hoặc bản photo công chứng, bản xác nhận thế chấp ngân hàng . Trong đó có đầy đủ thông tin bao gồm: Biển số xe, số khung, số máy, trọng tải, số chỗ ngồi chứng minh được loại phí xe.

Không dán thẻ ETC bị xử phạt thế nào?

Hiện nay, điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định phạt tiền 1.000.000 - 2.000.000 đồng với lái xe ô tô điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí. Đó là các xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc có gắn thẻ đầu cuối nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi đi qua làn thu phí điện tử tự động không dừng.

Như vậy, từ 1/8, nếu muốn lưu thông trên các tuyến cao tốc thu phí tự động, các phương tiện sẽ phải thực hiện việc gắn thẻ đầu cuối hay - tức dán thẻ thu phí tự động ETC. Hiện, các chủ phương tiện có thể đăng ký dịch vụ dán thẻ ETC tại nhà đối với thẻ ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) hoặc thẻ e-Tag của Công ty TNHH thu phí tự động VETC.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate