Môi trường kinh tế vĩ mô trên thế giới hiện tại đang ở trong tình trạng tốt hơn so với thời điểm này năm ngoái, khi lạm phát đều giảm ở các nền kinh tế lớn như Anh và Mỹ. Nghiên cứu của Deloitte Anh Quốc cho thấy chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ - như kỳ nghỉ, nhà hàng và quần áo - đã tăng và đạt mức dương lần đầu tiên kể từ quý 3/2021, và khảo sát tâm lý người tiêu dùng của PWC Anh Quốc cho thấy người mua sắm đang cảm thấy lạc quan hơn nhờ lạm phát và lãi suất thấp hơn.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đồng ý rằng người tiêu dùng nói chung vẫn còn thận trọng trong chi tiêu. Thị trường hàng xa xỉ nói chung đang gặp phải tình trạng chậm lại, khi những tên tuổi lớn như LVMH và Kering chứng kiến nhu cầu giảm ở một số thị trường chủ chốt.
NGƯỜI TIÊU DÙNG CÒN THẬN TRỌNG
"Nhiều người vẫn chọn tận dụng lãi suất ngân hàng cao và tiết kiệm tiền lương của họ thay vì chi tiêu," Kelly Miely, đối tác bán lẻ tại Deloitte, chia sẻ và nhận định với Vogue Business rằng giá cả hiện tại cao hơn nhiều so với hai năm trước. Lisa Hooker, trưởng nhóm ngành hàng tiêu dùng tại PWC Anh Quốc, cho biết thêm: "Người tiêu dùng có thể quan tâm đến sự kiện mua sắm Black Friday nhiều hơn năm ngoái, nhưng các nhà bán lẻ vẫn cần phải nỗ lực để chứng minh giá trị của họ và khuyến khích những người mua sắm thận trọng chi tiêu số tiền mà họ vất vả kiếm được".
Người tiêu dùng ở Mỹ cũng không hề sẵn sàng để chi tiêu. "Có một số dấu hiệu tích cực tại Mỹ như lạm phát giảm, giá xăng dầu thấp hơn và lãi suất giảm - nhưng những điều này không cung cấp nguồn lực lớn cho nền kinh tế tiêu dùng," Neil Saunders, giám đốc điều hành bộ phận bán lẻ và tiêu dùng của Globaldata tại Mỹ, cho biết. Ông dự đoán mức tăng trưởng sẽ khiêm tốn. "Sự kiện Black Friday sẽ ổn định, nhưng sẽ không đến mức xuất sắc."
THÁCH THỨC VỀ VẬN CHUYỂN VÀ LOGISTIC SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MỨC CHIẾT KHẤU
Các nhà bán lẻ đang phải lựa chọn giữa vận chuyển hàng không đắt hơn, nhưng nhanh và vận chuyển đường biển rẻ hơn, nhưng hiện đang bị gián đoạn. Một số tuyến vận chuyển đường biển giữa châu Á và châu Âu đã bị gián đoạn do xung đột địa chính trị ở Trung Đông. Các cuộc tấn công vào tàu thương mại đi qua Biển Đỏ - một vùng biển quan trọng đối với thương mại toàn cầu - cũng có tác động ảnh hưởng đến tuyến đường vận chuyển qua Kênh đào Suez, ông Manraj Ahdan, giám đốc vận tải hàng hóa toàn cầu tại Advanced Supply Chain (ASC) Group giải thích.
"Các công ty vận chuyển đang tìm kiếm hành trình an toàn hơn thông qua các tuyến đường biển khác. Những lựa chọn thay thế này thường dài hơn về khoảng cách, dẫn đến chậm trễ trong chuỗi cung ứng. Sự chậm trễ cũng gia tăng do nhu cầu tăng cao đối với các tuyến đường vận chuyển thay thế, vốn đã trở nên bận rộn hơn với ngày càng nhiều tàu."
Một số tuyến đường biển đã giảm bớt sự căng thẳng: chi phí vận chuyển từ Thượng Hải đến Rotterdam, Hà Lan nhìn chung vẫn cao, nhưng đã giảm đáng kể kể từ tháng 7, dữ liệu từ công ty nghiên cứu hàng hải Drewry cho thấy.
Các nhà bán lẻ đang lên kế hoạch trước cho cung ứng hàng hóa dịp Black Friday bằng cách thử nghiệm các tuyến đường mới và chuyển từ vận chuyển đường biển sang vận chuyển hàng không (hoặc sử dụng kết hợp cả hai phương pháp), điều này cũng giúp giảm thiểu chậm trễ, ông Manraj Ahdan cho biết. Nhưng tất cả những điều này đang đặt áp lực lên biên lợi nhuận của bán lẻ. Do đó, ASC dự đoán rằng mức chiết khấu có thể sẽ không sâu như thường lệ trong thời gian trước và trong suốt Black Friday.
CẦN CHIẾN LƯỢC KHUYẾN MÃI THÔNG MINH
Giống như những năm gần đây, thời gian bán hàng Black Friday năm 2024 có thể kéo dài trong suốt tháng 11, thậm chí có thể kéo dài đến tháng 12. "Trong vài năm qua, chúng tôi đã chứng kiến các doanh nghiệp kéo dài sự kiện Black Friday đến toàn bộ tháng 11, nhưng họ thông minh hơn về cách họ quảng bá; chọn lọc hơn là giảm giá hàng loạt", Laura Morroll, đối tác chuỗi cung ứng tại PWC Anh Quốc cho biết.
"Điều này có thể hữu ích khi hãng có tồn kho dư thừa, nhưng những người mua sắm tinh ý sẽ tận dụng mức chiết khấu sâu để mua các mặt hàng trong danh sách mong muốn của họ, cho chính họ hoặc để tặng quà nhân dịp lễ hội sắp tới", cô giải thích.
"Nó cũng giúp các nhà bán lẻ quản lý logistic và lưu lượng khách hàng, từ đó thu hút nhiều người tiêu dùng thận trọng hơn, những người tìm cách phân bổ mua hàng trong thời gian dài hơn trong mùa mua sắm cao điểm", Kelly Miely nhận xét thêm.
Ngoài chiết khấu thông thường, các thương hiệu sẽ tiếp tục thử nghiệm với "khuyến mãi dựa trên giá trị khách hàng", Kelly Miely dự đoán. "Điều này có thể bao gồm các ưu đãi trọn gói, lợi ích của chương trình khách hàng thân thiết và trải nghiệm độc quyền. Các nhà bán lẻ cũng có thể nhấn mạnh vào bán chéo (phương pháp bán hàng khiến khách hàng chi tiêu nhiều hơn bằng cách mua một sản phẩm có liên quan đến những gì đã được mua), thúc đẩy doanh số bổ sung thông qua các sản phẩm bổ sung cho mặt hàng mua ban đầu", cô nói.
Lợi ích của các chương trình khách hàng thân thiết là thu thập dữ liệu để cung cấp các chương trình khuyến mãi cá nhân hóa cho các khách hàng. Những mô hình chiết khấu này đặc biệt phù hợp với các thương hiệu xa xỉ đang cố gắng điều hướng môi trường khuyến mãi mà không làm giảm vị thế cao cấp của mình.
"Chiến lược chiến thắng mùa Black Friday là về sự chính xác, hơn là khuyến mãi hàng loạt để tối ưu hóa doanh số và bảo vệ biên lợi nhuận. Các công ty cần có chiến lược thông minh hơn để dẫn đầu mùa kinh doanh Black Friday", Jacqueline Windsor, trưởng bộ phận bán lẻ tại PWC Anh Quốc, nhận xét.
Hiệu suất trong dịp Black Friday sẽ đặt nền tảng cho thời gian còn lại của bán lẻ mùa lễ hội. "Black Friday năm nay sẽ là một cuộc marathon chứ không phải là một cuộc chạy nước rút", Neil Saunders từ Globaldata nhận xét. "Rất nhiều nhà bán lẻ sẽ tìm kiếm sự tăng trưởng bền vững trong suốt thời gian nghỉ lễ và do đó họ sẽ lên lịch trình phù hợp cho khuyến mãi. Black Friday vẫn là một sự kiện lớn, nhưng nó sẽ là một trong nhiều cách mà các nhà bán lẻ cố gắng khiến người tiêu dùng mở hầu bao".