Thế giới chỉ vài năm nữa sẽ có vaccine phòng ngừa các bệnh ung thư, theo cặp vợ chồng nổi tiếng đứng sau vaccine Pfizer/BioNtech phòng Covid-19. "Phương pháp mới loại bỏ ung thư hoặc thay đổi cuộc sống của bệnh nhân ung thư đang nằm trong tầm tay của chúng ta", nữ giáo sư Ozlem Tureci nói với BBC News. Còn chồng bà là giáo sư Ugur Sahin, người đồng sáng lập công ty dược phẩm BioNTech của Đức, tin rằng "vaccine phòng ngừa ung thư có thể được phổ biến rộng rãi trước năm 2030".
Các nhà khoa học đã nghiên cứu vaccine ung thư trong nhiều thập kỷ qua. Một cách tiếp cận là dạy hệ thống miễn dịch nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư - lý tưởng nhất là ngăn ngừa ung thư phát triển ngay từ đầu. Ngoài ra, còn có các loại vaccine khác được nghiên cứu để điều trị cho những người đã mắc bệnh ung thư, bao gồm một loại vaccine đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối.
Mới đây, nhóm nghiên cứu từ ĐH Osaka Metropolitan, Nhật Bản tạo ra một loại vaccine giúp kích hoạt các tế bào miễn dịch chống ung thư. Công trình được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Controlled Release, ngày 3/11. Các chuyên gia đã tạo ra chất mang kháng nguyên - sử dụng liposome dựa trên các phân tử lipid có kích thước nano - để vận chuyển các kháng nguyên ung thư đến tế bào đuôi gai. Tế bào này có chức năng như trung tâm điều khiển hệ thống miễn dịch.
Nhóm đã tạo ra loại liposome có tác dụng kích hoạt tế bào miễn dịch, chỉ cần sử dụng 10% lượng kháng nguyên cần thiết trước đó. Để tăng cường hiệu quả của các liposome này, tế bào miễn dịch cần được kích hoạt một cách hiệu quả hơn. Do đó, nhóm chuyên gia tập trung vào các chất béo cation, được cho là có tác dụng thúc đẩy tế bào miễn dịch hoạt động.
Khi sử dụng vaccine liposome tiêm cho chuột đã được cấy tế bào ung thư, các nhà khoa học nhận thấy chúng phát triển phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, làm giảm sự phát triển của ung thư. "Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chế các chất mang kháng nguyên có thể sử dụng trong liệu pháp miễn dịch ung thư, tạo ra các vaccine cho các bệnh truyền nhiễm bằng cách kết hợp chúng với các kháng nguyên thực tế", phó giáo sư Eiji Yuba, Đại học Osaka Metropolitan, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nếu công nghệ này được áp dụng vào thực tế, nó có thể mở rộng các đối tượng mắc bệnh ung thư được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Hồi tháng 8, các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công thuốc điều trị miễn dịch có tên dostarlimab. Thuốc giúp chữa khỏi ung thư trực tràng cho 12 tình nguyện viên của thử nghiệm kéo dài 6 tháng. Dostarlimab không hoạt động bằng cách tấn công trực tiếp vào chính khối u ung thư, mà thúc đẩy hệ thống miễn dịch của bệnh nhân thực hiện điều này.
Cùng với đó, một nhóm các nhà khoa học từ Tây Ban Nha và Úc đã công bố kết quả nghiên cứu về việc thành công xác định một hợp chất có trong nọc độc của loài bạch tuộc cát Nam Úc với khả năng làm chậm đáng kể sự phát triển của tế bào ung thư. Theo mô tả, hợp chất này sẽ giúp chống lại sự kháng thuốc ở những bệnh nhân mắc bệnh ung thư hắc tố đột biến BRAF, một trong những dạng ung thư da nghiêm trong nhất được ghi nhận tại người hiện nay.
BRAF là một gene có liên quan đến việc điều chỉnh sự phát triển của tế bào. Một đột biến trong gene này có thể khiến nó hoạt động sai, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát được của tế bào. Những đột biến BRAF này được thấy trong một nửa số trường hợp ung thư tế bào hắc tố, dạng ung thư da được cho là nguy hiểm nhất. Chúng có liên quan đến các dạng ung thư khác bao gồm ung thư đại trực tràng, ung thư hạch không Hodgkin và một số bệnh ung thư não.
Hiện các tiêu chuẩn chăm sóc bệnh nhân u ác tính chủ yếu là kết hợp các chất ức chế BRAF hoặc MEK. Y học cũng đã đạt được kết quả tuyệt vời bằng liệu pháp miễn dịch và miễn dịch kết hợp. Nhưng các phương pháp điều trị này có nhược điểm là tỷ lệ đáp ứng thấp, độc tính và tác dụng ngoại ý, cũng như kháng thuốc.
Nhóm nghiên cứu nói trên đã thử nghiệm các đặc tính chống lại khối u của một nhóm các hợp chất nọc độc được sản xuất tổng hợp từ một loạt các loài động vật biển khác nhau. Họ nói rằng Peptide bạch tuộc ngăn chặn sự gia tăng của khối u ác tính đột biến BRAF, an toàn kể cả khi dùng với liều cao, không độc hại. Tuy nhiên, trước khi hợp chất này có thể sử dụng được trên bệnh nhân, cần phải thực hiện nhiều vòng kiểm tra trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng. Nó được xem là một ứng cử viên thuốc điều trị ung thư hắc tố đầy tiềm năng trong tương lai.
Tại Việt Nam, tin vui cho người bệnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cũng đang ứng dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị cho một số bệnh nhân ung thư giai đoạn 4, đạt hiệu quả rất khả quan. Tiến sĩ Võ Văn Kha, Chủ tịch Hội Ung thư TP Cần Thơ cho biết hiện liệu pháp miễn dịch tập trung ưu tiên nghiên cứu trước cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Một số loại ung thư gồm ung thư vú, ung thu cổ tử cung, phổi, da... đang được Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ điều trị đạt kết quả tốt bằng liệu pháp này.