Thế vận hội Olympic Paris 2024 đã kết thúc với hàng trăm huy chương đã được trao. Ngoài huy chương, thú nhồi bông của linh vật Olympic và một chiếc hộp "bí ẩn" chứa áp phích chính thức của sự kiện, một số vận động viên nhận được phần thưởng rất lớn về mặt tài chính từ quốc gia họ đại diện thi đấu, như một sự động viên và ghi nhận cho nỗ lực của họ. Ủy ban Olympic Quốc tế không trao giải thưởng tiền mặt cho các vận động viên giành huy chương.
Dưới đây là một số khoản tiền thưởng cho các vận động viên đạt huy chương Olympic tại các quốc gia trên thế giới, dựa trên thông tin được tổng hợp bởi CNBC từ các ủy ban Olympic quốc gia, hiệp hội thể thao và báo cáo địa phương.
Hồng Kông và Singapore là hai quốc gia có mức thưởng cao nhất cho các vận động viên Olympic của mình. Các khoản tiền thưởng cho các vận động viên Hong Kong tham gia Thế vận hội Paris đã tăng 20% so với Thế vận hội Tokyo. Những người giành huy chương vàng sẽ nhận được 6 triệu đô la Hồng Kông (768.000 USD). Tổng thư ký Hành chính của Đặc khu hành chính Hồng Kông, ông Trần Quốc Cơ, đã công bố vào đầu tháng 7. Những người giành huy chương bạc và đồng sẽ lần lượt nhận được 3 triệu và 1,5 triệu đô la Hồng Kông.
Năm nay, Hồng Kông dự kiến sẽ trả số tiền thưởng lớn do các vận động viên đã sớm giành được các huy chương trong các môn bơi lội và đấu kiếm. Vận động viên đấu kiếm Vivian Kong đã giành được huy chương đầu tiên cho Hồng Kông tại Thế vận hội Paris, đứng đầu bảng xếp hạng trong nội dung epee đơn nữ. Vận động viên đấu kiếm Hồng Kông Cheung Ka-long cũng giành được huy chương vàng trong nội dung foil đơn nam, trong khi vận động viên bơi lội Siobhan Bernadette Haughey giành được huy chương đồng ở nội dung bơi tự do 200 mét nữ.
Singapore trao thưởng cho các vận động viên đạt huy chương Olympic số tiền 1 triệu đô la Singapore (745.300 đô la Mỹ) cho huy chương vàng, 500.000 đô la Singapore cho huy chương bạc và 250.000 đô la Singapore cho huy chương đồng.
Số tiền mà Ủy ban Olympic và Paralympic Hoa Kỳ trao thưởng cho các vận động viên Mỹ đạt huy chương là 37.500 USD cho huy chương vàng, 22.500 USD cho huy chương bạc và 15.000 USD cho huy chương đồng. Trong Thế vận hội năm 2016, ủy ban đã trao 25.000 USD cho huy chương vàng, 15.000 USD cho huy chương bạc và 10.000 đô la cho huy chương đồng.
Đối với các vận động viên giành được nhiều huy chương như vận động viên thể dục dụng cụ Simone Biles của Mỹ, điều này có thể dẫn đến khoản tiền thưởng rất lớn. Cô đã giành được ba huy chương vàng và một huy chương bạc tại Thế vận hội Paris 2024 - mang về tổng số tiền thưởng là 135.000 USD.
Pháp, quốc gia chủ nhà, cũng được báo cáo là đã tăng mức tiền thưởng cho các vận động viên. Những người giành huy chương vàng sẽ nhận được 87.000 USD - nhiều hơn so với mức thưởng tại Thế vận hội Tokyo.
Một số quốc gia cũng mở rộng phần thưởng cho sự nỗ lực của các vận động viên không nhận được huy chương. Quỹ Hỗ trợ Thể thao của Đức sẽ trao tiền thưởng cho các vận động viên xếp hạng từ thứ nhất đến thứ tám tại Thế vận hội. Những người giành huy chương vàng sẽ nhận được 22.000 USD.
Các vận động viên Olympic của Ấn Độ nhận được phần thưởng tiền mặt từ cả chính phủ và cơ quan thể thao quốc gia của nước này, theo truyền thông địa phương. Chính phủ trao cho những người giành huy chương vàng 7,5 triệu rupee (90.000 USD) trong khi Hiệp hội Olympic Ấn Độ trao thưởng 10 triệu rupee.
PHẦN THƯỞNG KHÔNG CHỈ CÓ TIỀN MẶT
Ngoài tiền mặt, một số vận động viên còn nhận được những phần thưởng bổ sung, như căn hộ và ô tô từ cả chính phủ và các công ty tư nhân.
Các vận động viên cầu lông Indonesia Greysia Polii và Apriyani Rahayu, những người đã giành được huy chương vàng tại Thế vận hội Tokyo năm 2021, được tặng 5 con bò, 1 nhà hàng thịt viên và 1 ngôi nhà mới, theo báo cáo của Reuters. Chính phủ Indonesia cũng trao cho 2 vận động viên này một giải thưởng tiền mặt trị giá khoảng 350.000 đô la Mỹ. Ngoài ra, Rahayu, đến từ đảo Sulawesi, được trưởng quận tặng 5 con bò và 1 ngôi nhà, theo báo cáo.
Theo báo chí địa phương, Hội đồng Thể thao Quốc gia Malaysia trao thưởng 1 triệu ringgit (215.563 USD) cho các vận động viên giành huy chương vàng, trong khi các vận động viên giành huy chương bạc được dự kiến sẽ nhận được 300.000 ringgit và những người giành huy chương đồng sẽ được thưởng 100.000 ringgit. Một số công ty tư nhân ở Malaysia được báo cáo là cũng trao thưởng cho các vận động viên các ưu đãi khác, như căn hộ cao cấp hoặc tiền mặt bổ sung. Tất cả các vận động viên đạt huy chương Olympic cũng sẽ được tặng một "chiếc xe hơi nước ngoài", theo phát biểu của Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, Hannah Yeoh.
Ngoài phần thưởng tiền mặt rất hào phóng, nếu một vận động viên từ Cộng hòa Kazakhstan giành được thành tích trong sự kiện Olympic, Bộ Văn hóa và Thể thao của Cộng hòa sẽ tặng họ một căn hộ. Kích thước của căn hộ phụ thuộc vào thành tích của người chiến thắng. Những người giành huy chương vàng sẽ nhận được căn hộ ba phòng; những người giành huy chương bạc sẽ nhận được căn hộ hai phòng; và những người giành huy chương đồng sẽ nhận được căn hộ một phòng.
Tuy nhiên, một số quốc gia như Na Uy, Vương quốc Anh hoặc New Zealand không trao bất kỳ phần thưởng nào cho người chiến thắng của họ, mặc dù chính phủ vẫn có các hình thức hỗ trợ và trợ cấp cho các vận động viên và liên đoàn, và các hỗ trợ này thường vẫn hữu ích và hiệu quả. Sau khi giành huy chương bạc tại Olympic Tokyo 2020, vận động viên Kjetil Borch của Na Uy cho biết anh chỉ mong đợi "một bức thư từ nhà vua và thủ tướng" và đã hỏi vui rằng mất bao lâu để có được quyền công dân Singapore, vì sự hào phóng của quốc gia này đối với các vận động viên Olympic.
Nếu thực sự muốn, các vận động viên vẫn có thể đấu giá huy chương Olympic, thường có giá trị vài chục nghìn euro. Còn việc đúc lại chúng sẽ không phải là một ý tưởng tốt, vì lợi nhuận sẽ không đáng kể. Thực tế, lượng vàng trong huy chương Olympic là rất nhỏ: trong huy chương của Paris 2024, chỉ có 6 gram là vàng - chỉ hơn 1% của tổng số 529 gram cân nặng.
Cho đến Thế vận hội Stockholm năm 1912, các huy chương vàng gần như được đúc vàng hoàn toàn. Nhưng sau đó, các chính sách tiết kiệm chi phí đã được thực hiện, và từ Antwerp năm 1920, lượng vàng có trong các huy chương Olympic đã giảm đi. Ngày nay, ngoài huy chương đồng, các huy chương được làm bằng bạc nguyên chất và tối đa là mạ vàng.
Tuy nhiên, những huy chương của Paris 2024 được trang trí bằng các chi tiết có thể làm tăng nhẹ giá trị của chúng, đặc biệt là nếu được đem ra đấu giá, chẳng hạn như một mảnh sắt từ phần khung ban đầu của Tháp Eiffel.