Từ những biểu hiện thường gặp như cơn chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, nếu không chữa trị kịp thời bệnh có thể tăng nặng và gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, tăng nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương không mong muốn.
CẦN XÁC ĐỊNH CHÍNH XÁC NGUYÊN NHÂN
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh chóng mặt ở người trưởng thành suốt đời là 7,4%, tỷ lệ mắc 1 năm là 4,9% và tỷ lệ mắc là 1,4% trong 1 năm. Chứng rối loạn tiền đình phổ biến gấp 3 lần ở người cao tuổi và biểu hiện tỷ lệ phụ nữ gần gấp 3 lần.
Theo đó, rối loạn tiền đình được chia thành hai loại gồm rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương. Triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên thường thoáng qua và không nguy hiểm, trong khi rối loạn tiền đình trung ương có thể gây ra mất thăng bằng và nôn ói. Các nguyên nhân của rối loạn tiền đình bao gồm chấn thương đầu, tổn thương tai trong, dùng thuốc gây tổn thương tiền đình và bệnh lý ở não.
Để chẩn đoán và điều trị rối loạn chức năng tiền đình được hiệu quả cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng như đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Theo bác sĩ Hoàng Thị Phương, bác sĩ điều trị tại Trung Tâm Thính Học Và Tiền Đình - Bệnh Viện TWQĐ 108: “Rối loạn cơ quan tiền đình ngoại biên do các nguyên nhân: viêm thần kinh tiền đình, viêm tiền đình, bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh VIII, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp. Rối loạn chuyển hóa: Tiểu đường, suy giáp, tăng ure máu…”
“Trong khi đó, hội chứng tiền đình trung ương do các nguyên nhân: Thường gặp nhất là migraine, nhồi máu não, chấn thương, u não, nhiễm trùng não, xuất huyết não, xơ cứng rải rác. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như chấn thương gây mất máu, căng thẳng, thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia,… cũng là tác nhân dẫn đến rối loạn tiền đình”.
Triệu chứng phổ biến nhất của rối loạn tiền đình là chóng mặt. Người bệnh gặp phải tình trạng này sẽ có cảm giác mọi thứ đang quay tròn, ảnh hưởng đến thăng bằng, chứ không chỉ là cảm giác choáng váng. Để giảm bớt triệu chứng và tần suất của cơn chóng mặt người bệnh nên ngồi xuống ngay lập tức hoặc nằm yên trong phòng tối và yên tĩnh để giảm cảm giác quay tròn, di chuyển đầu cẩn thận và chậm rãi khi vận động, bật đèn khi thức dậy vào ban đêm.
Nếu có nguy cơ bị ngã người bệnh nên sử dụng gậy để chống. Ngủ với tư thế đầu hơi nâng cao trên 2 hoặc nhiều gối. Chậm rãi ra khỏi giường và ngồi xuống mép giường một lúc rồi mới đứng dậy. Đặc biệt là người bệnh cần cố gắng thư giãn, bởi lo lắng có thể khiến chứng chóng mặt trở nên nặng hơn. Người bệnh không cúi xuống nhặt đồ, thay vào đó hãy ngồi xổm để hạ thấp người; không duỗi thẳng cổ, ví dụ như khi với lên giá cao.
NHỮNG DẤU HIỆU CẦN LƯU Ý
Hiện nay, Trung Tâm Thính Học Và Tiền Đình - Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108 ứng dụng hệ thống đo chức năng tiền đình ICS Impluse của Natus (Đan Mạch) có tích hợp hai phép đo VNG và VHIT. Phương pháp này hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn tiền đình với nhiều ưu điểm vượt trội: Nhanh chóng ghi lại và đánh giá các chuyển động của nhãn cầu, phản xạ tiền đình mắt giúp phát hiện bất thường nhỏ nhất; Phân tích chuyển động mắt liên quan đến 6 ống bán khuyên ở hai bên tai; Chẩn đoán phân biệt tổn thương của hệ thống tiền đình trung ương hay ngoại biên; Chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh lý BPPV (Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính).
“Trung tâm đã được trang bị máy đo chức năng tiền đình hiện đại. Hàng ngày, Trung tâm thực hiện các test đo chức năng tiền đình an toàn với độ chính xác cao góp phần phát hiện, chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh lý tiền đình cho người bệnh”, bác sĩ Phương chia sẻ thêm.
Cũng theo bác sỹ Phương, có những triệu chứng rối loạn tiền đình xảy ra rất phổ biến mà người bệnh không thể xem thường, bao gồm các biểu hiện sau:
Chóng mặt không xác định rõ: Đột ngột chóng mặt, choáng váng, đi không vững và giữ thăng bằng kém, cảm thấy mọi vật xung quanh đều đảo lộn và cảm thấy như bị kéo về một hướng, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị đè nén lại, cảm giác tê tay chân và run rẩy.
Mất thăng bằng và định hướng: Mất thăng bằng, vấp ngã, khó đi thẳng hoặc đi chao đảo. Xây xẩm và choáng váng khi đột ngột thay đổi tư thế, khó duy trì tư thế thẳng.
Rối loạn thính giác: Mất thính lực hoặc nghe không rõ. Cảm thấy ù tai hoặc nghe có tiếng ồn trong tai. Nhạy cảm với âm thanh lớn, âm thanh lớn đột ngột có thể làm tăng các triệu chứng chóng mặt hoặc mất cân bằng. Cảm thấy đau tai, nhức đầu và nói lắp.
Hay say tàu xe: Đây cũng là một triệu chứng gặp phải ở hầu hết những người rối loạn tiền đình và là một dấu hiệu sớm cho căn bệnh nguy hiểm này. Những người bị say tàu xe do rối loạn tiền đình thường có những triệu chứng tương đối nặng như tình trạng đổ mồ hôi lạnh cùng cảm giác buồn nôn nặng, thốc tháo, chóng mặt khủng khiếp, ù tai, tăng tiết nước bọt, chán ăn, da tái nhợt, đau đầu, mệt mỏi, thở nông. Cùng với đó là thường ngày hay gặp những triệu chứng như hay hoa mắt chóng mặt, tối sầm mắt mũi, đau nặng đầu, ngủ kém, giảm sút trí nhớ...
Về cơ bản, rối loạn tiền đình không gây ra nguy hiểm cho tính mạng nhưng khi không được điều trị kịp thời, nó lại là nguyên nhân tác động đến diễn tiến của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như: Tăng nguy cơ biến chứng mất thính lực; Xuất hiện thường xuyên các cơn đau đầu gây cản trở đến công việc và cuộc sống; Dễ nảy sinh tâm lý bực tức, nóng giận với những người xung quanh; Nguy hiểm nếu mất thăng bằng khi tham gia giao thông.