Cuối 2015, nợ công đã được dự kiến khoảng 64% GDP, nhưng Chính phủ vẫn xác định giữ mức trần nợ công đến 2020 không quá 65% GDP.
Trong một báo cáo với nhiều con số cập nhật nhất về nợ công gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, vừa khai mạc sáng 20/10, Chính phủ nêu khá cụ thể các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước.
Đó là 22.090 tỷ đồng nợ quỹ bảo hiểm xã hội, phần thuộc trách nhiệm ngân sách nhà nước phải bố trí trả đối với người lao động cho thời kỳ trước năm 1995 nhưng về hưu sau năm 1995.
Là 13.811 tỷ đồng nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng và 12.000 tỷ đồng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với hai ngân hàng chính sách là VDB và Ngân hàng chính sách xã hội.
Các khoản nợ này sẽ được tính vào nợ công khi ngân sách nhà nước không bố trí được nguồn và phải vay từ các nguồn khác để trả nợ, Chính phủ giải thích.
8 vấn đề
Dư nợ công tăng khá nhanh là vấn đề được nêu đầu tiên với ước năm 2014 chỉ số nợ công ở mức 60,3% GDP và dự kiến 2015 khoảng 64% GDP, sát với ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nợ công được Chính phủ nhìn nhận là trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của nhà nước tích lũy từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển.
“Việc nợ công đang tiến dần tới ngưỡng cần được chú ý và giám sát chặt chẽ”, báo cáo viết.
Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đang có xu hướng gia tăng khá nhanh, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn, Chính phủ nêu tiếp vấn đề thứ hai.
Các con số liên quan được nêu tại báo cáo là ước nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2014 là 219.220 tỷ đồng, dự kiến 2015 là 296.234 tỷ đồng.
Vấn đề thứ ba được đề cập là huy động, sử dụng vốn vay chưa hợp lý, phân bổ dàn trải, tập trung vào việc tăng quy mô mà chưa đề cao hiệu quả.
Đáng chú ý, Chính phủ nhìn nhận tình trạng diễn ra nhiều năm là tổng dự toán vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ghi trong dự toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước rất thấp, không đúng với giải ngân thực tế.
Điều này gây lên tình trạng bị động trong cân đối vốn đối ứng, tạm ứng các hợp đồng, phải thường xuyên xử lý vướng mắc, giải trình với Kiểm toán nhà nước và các ủy ban của Quốc hội khi thực tế ghi thu, ghi chi, quyết toán vốn vay nước ngoài và mức bội chi cao hơn dự toán được duyệt.
Cơ cấu vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại có xu hướng giảm qua các năm, Chính phủ nêu vấn đề thứ tư. Ở nội dung này, Chính phủ cho biết các dự án gặp khó khăn trả nợ, phải ứng ra từ quỹ tích lũy trả nợ trả nợ thay, gia hạn nợ hoặc tái cơ cấu tài chính, chuyển sang cơ chế đầu tư vốn nhà nước gây sức ép tăng nghĩa vụ chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ.
Đến thời điểm 31/12/2013, có 65 dự án vay lại gặp khó khăn trả nợ với tổng trị giá 289 triệu USD, chiếm 2,25% tổng dư nợ cho vay lại, báo cáo nêu con số cụ thể.
Trong danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ có gần 10% dư nợ vay với lãi suất thả nổi là vấn đề tiếp theo được Chính phủ đề cập. Ngoài ra, với mức dư nợ nước ngoài chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của Chính phủ, nếu có sự biến động bất lợi về tỷ giá ngoại tệ có thể thúc đẩy gia tăng nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ tương ứng, báo cáo viết.
Vấn đề thứ sáu, theo Chính phủ là nguồn vốn vay được bảo lãnh Chính phủ tăng nhanh, đạt mức tăng bình quân gần 50% năm, phạm vi ngày càng mở rộng.
Tiếp theo, Chính phủ cũng tỏ ra lo lắng trong bối cảnh thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn nên trái phiếu được bảo lãnh Chính phủ các định chế chính sách phát hành có kỳ hạn ngắn, chủ yếu kỳ hạn 2 năm, 3 năm, 5 năm trong khi các dự án cho vay có thể kéo dài đến 12 năm.
Điều này dẫn đến rủi ro mất cân bằng kỳ hạn giữa huy động và cho vay, buộc phải tăng hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu mới để đảo nợ. Trường hợp không phát hành được trái phiếu để đảo nợ đến hạn thì rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng sẽ do ngân sách nhà nước gánh chịu.
Việc quản lý nợ chính quyền địa phương hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ và nhất quán nằm trong vấn đề cuối cùng được nêu tại báo cáo.
Nguy cơ nợ công nằm ở vấn đề này khá rõ ràng, khi Chính phủ nhìn nhận ở Trung ương không nắm được đầy đủ, chính xác tổng số nợ của chính quyền địa phương và giới hạn vay nợ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
2020 bội chi giảm xuống 4% GDP
Các giải pháp đảm bảo an toàn nợ công là một phần lớn trong báo cáo của Chính phủ.
Tăng dần thời hạn phát hành trái phiếu Chính phủ là một trong những giải pháp được nhấn mạnh. Chính phủ cho biết, trong thời gian tới tiếp tục năng tỷ lệ phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm lên 20-25%, kỳ hạn từ 10 năm trở lên 15 đến 20%.
Chính phủ cũng xác định giữ mức trần nợ công đến 2020 không quá 65% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và khống chế nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách hàng năm không quá 25%.
Để giảm gánh nặng nợ, Chính phủ xác định bám sát mục tiêu bội chi ngân sách nhà nước giảm dần, đến 2020 giảm xuống 4% GDP (tính cả trái phiếu Chính phủ).
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate