Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 33,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 16,8%; chăn nuôi ước đạt 264 triệu USD, tăng 10,1%; thủy sản ước đạt 5 tỷ USD, tăng 14,5%; lâm sản đạt 8,7 tỷ USD, tăng 8,8%.
Giá trị xuất khẩu của 9/11 nhóm mặt hàng tiếp tục đà tăng trưởng là cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, chăn nuôi, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, có 2 mặt hàng giảm nhiều về giá trị xuất khẩu là gạo (2,6 tỷ USD, giảm 9,8%) và rau quả (2,7 tỷ USD, giảm 17,1%).
Nhận định về tình hình 6 tháng cuối năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng với thách thức từ chính sách thuế đối ứng tại Hoa Kỳ; xung đột tại Trung Đông sẽ khiến chi phí vận chuyển hàng hoá tăng cao, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ rất khó duy trì được tăng trưởng.
CẦN CHẶN ĐÀ SUY GIẢM CỦA RAU QUẢ VÀ GẠO
Để đạt được con số 65 tỷ USD cho cả năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu 6 tháng cuối năm ở mức 31,6 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời nhấn mạnh: “Giai đoạn nửa cuối năm 2025, cần có hành động quyết liệt để tiếp tục duy trì xuất khẩu tại thị trường truyền thống và bổ sung các dòng sản phẩm phù hợp, bổ sung một số nhóm hàng có thể gia tăng giá trị xuất khẩu ở thị trường tiềm năng”.
Đối với mặt hàng gạo, mục tiêu đề ra cho xuất khẩu năm 2025 là 5,7 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ước tính đến tháng 6/2025 mới chỉ đạt 2,6 tỷ USD. Trước thách thức đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng ngành gạo cần tiếp tục giữ vững thị phần tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và Malaysia, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore – nhất là đối với các sản phẩm chế biến như bún, mì, phở.
"Việc tìm kiếm giải pháp giảm chi phí logistics và đa dạng hóa nguyên liệu đầu vào cũng là yếu tố then chốt để tăng sức cạnh tranh cho gạo Việt tại các thị trường mới như Ghana, Bờ Biển Ngà và UAE".
Tương tự, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 7,6 tỷ USD trong năm 2025, tăng 6,8% so với năm 2024. Tuy nhiên, với diễn biến thực tế đến tháng 6/2025, dự báo kim ngạch cả năm có thể chỉ đạt 6,6 tỷ USD, do sự sụt giảm mạnh ở các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối và mít tại thị trường Trung Quốc.
Tại thị trường Hoa Kỳ, dù chiếm tỷ trọng nhỏ (1,9%), ngành rau quả vẫn có cơ hội tăng trưởng do người tiêu dùng ngày càng ưu tiên thực phẩm lành mạnh. Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh với các loại trái cây tươi như dừa, xoài, bưởi, chanh dây; đồng thời có thể gia tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến từ xoài và dừa – hai mặt hàng đang có đà tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động đàm phán lại chuỗi cung ứng và chia sẻ chi phí phát sinh do ảnh hưởng của thuế suất, đồng thời chuyển hướng một số mặt hàng sang các thị trường khác nếu gặp khó khăn xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam - vẫn có tiềm năng nhờ chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với trái cây tươi trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Đặc biệt, dừa tươi được đánh giá có khả năng tăng trưởng mạnh. Ngành cần đẩy mạnh tháo gỡ rào cản xuất khẩu sầu riêng, nâng cao tuân thủ về kiểm dịch và an toàn thực phẩm, nắm bắt thông tin thông quan để chủ động xử lý các tình huống phát sinh vào mùa vụ cao điểm.
Ngoài ra, thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU tiếp tục được xác định là khu vực tiềm năng, đặc biệt với nhóm trái cây tươi có thế mạnh xuất khẩu như xoài, thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, măng cụt, vải thiều, chôm chôm, chanh dây và sầu riêng. Việc chuẩn hóa chất lượng, cơ sở đóng gói và đáp ứng quy định của nước nhập khẩu là yếu tố quan trọng để giữ vững và mở rộng thị phần rau quả.
GỖ VÀ THUỶ SẢN SẼ CHỊU NHIỀU SỨC ÉP
Năm 2025, ngành gỗ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 18,5 tỷ USD, tăng trưởng 7% so với năm 2024. Tuy nhiên, trước sức ép từ chính sách thuế của Hoa Kỳ – thị trường chiếm tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, cùng với việc khách hàng Hoa Kỳ tìm nguồn cung thay thế, gây suy giảm sức cạnh tranh đang trở thành thách thức lớn đối với ngành gỗ Việt Nam.
Để ứng phó, ngành gỗ cần tận dụng thế mạnh về mẫu mã đa dạng, chi phí hợp lý, năng lực sản xuất lớn, khả năng linh hoạt trong OEM/ODM và tuân thủ tiêu chuẩn gỗ hợp pháp. Việc duy trì các dòng sản phẩm phù hợp và tăng cường nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ từ Hoa Kỳ không chỉ giúp giảm thâm hụt thương mại mà còn đảm bảo tính hợp pháp, tránh rủi ro bị kiện về xuất xứ. Mặt khác, cần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc với các sản phẩm như dăm gỗ, ván bóc, đồ mộc xây dựng; mở rộng thị phần tại châu Âu, Nhật Bản, Úc, Canada và Trung Đông.
"Trước sức ép từ chính sách thuế của Hoa Kỳ – thị trường chiếm tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ và sản phẩm gỗ, cùng với việc khách hàng Hoa Kỳ tìm nguồn cung thay thế, gây suy giảm sức cạnh tranh đang trở thành thách thức lớn đối với ngành gỗ Việt Nam".
Với ngành thủy sản, mục tiêu xuất khẩu năm 2025 là 10,5 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2024. Tuy nhiên, cũng như ngành gỗ, thủy sản đang chịu tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ - thị trường chiếm 12,8% kim ngạch xuất khẩu, trong khi nhu cầu tiêu dùng tại đây có xu hướng suy giảm, nhất là với tôm và cá hồi. Để duy trì thị phần, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu cá tra và nâng cao năng lực giám sát, truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu từ Đạo luật Bảo vệ động vật có vú ở biển (MMPA).
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết vẫn còn những mặt hàng có khả năng duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, điều…
Với sản lượng chủ yếu thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, ngành cà phê đã ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5,5 tỷ USD, bằng cả kế hoạch năm. Dự báo cả năm có thể đạt tới 7,5 tỷ USD, tăng 36,9% so với 2024. Cà phê Việt Nam phần lớn được xuất khẩu sang EU.
Bên cạnh đó, việc mở rộng xuất khẩu sang EU, cần mở cửa thị phần ở Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Ấn Độ, Philippines và Thái Lan giúp đa dạng thị trường và giảm phụ thuộc vào Mỹ.
NHỮNG MẶT HÀNG CÓ KHẢ NĂNG ĐẨY MẠNH KIM NGẠCH XUẤT KHẨU
Ngành hồ tiêu đặt mục tiêu xuất khẩu 1,35 tỷ USD trong năm 2025, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm 2025, nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng gần 60%, nên mặc dù lược xuất khẩu giảm 12%, nhưng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tăng mạnh 40,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 800 triệu USD.
Nhờ kết quả tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm, xuất khẩu cà phê cả năm sẽ tăng trưởng. Để giữ đà tăng trưởng cao cho mặt hàng này, cần mở rộng thị trường sang EU, Trung Đông và châu Á.
Ngành điều hướng tới mục tiêu 4,5 tỷ USD năm 2025, tăng 2,7%. Do ngành điều Việt Nam vẫn nắm giữ bí quyết về công nghệ chế biến điều, nên dù nếu Hoa Kỳ áp thuế cao, thì áp lực cạnh tranh sẽ không quá lớn. Thêm nữa, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng trên 19%.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, để giữ được tăng trưởng cho hạt điều, EU là thị trường tiềm năng lớn nhờ xu hướng tiêu dùng các sản phẩm hạt chế biến, dù đặt ra yêu cầu khắt khe về sản xuất bền vững và không phá rừng. Việc đầu tư vào chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu quốc gia sẽ là chìa khóa tăng giá trị ngành điều trong thời gian tới.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2025 phát hành ngày 07/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1493
