May 15, 2023 | 08:13 GMT+7

Nỗ lực “nâng sao” OCOP để rộng đường xuất khẩu

Lưu Hà -

Để phát triển hệ thống, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ, hiện tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm đường “xuất ngoại” cho sản phẩm OCOP của mình. Tuy nhiên, sản lượng ít, tiếp thị kém…đang trở thành những yếu tố cản đường đưa đặc sản của Việt Nam vươn ra thế giới...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đánh giá chung của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, sau gần 5 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hiện nay người tiêu dùng đã rất quen với cái tên OCOP. Sản phẩm OCOP cũng đã được các chủ thể chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP tạo nên những giá trị khác biệt, các chủ thể cần được hỗ trợ để thay đổi.

GIAN NAN TÌM ĐƯỜNG XUẤT NGOẠI

Ngày 5/4 vừa qua, phiên họp đầu tiên năm 2023 của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương đã diễn ra tại Hà Nội. Kết quả, trong số 8 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đã có 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Đó là: “Chăn bông tơ tằm tự dệt”, “Gốm men Suối Ngọc” (cùng đến từ Hà Nội) và “Đèn lồng mây tre đan” (Nghệ An). Các sản phẩm còn lại, Hội đồng đề nghị các chủ thể tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đánh giá sau.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hiện cả nước đã có 8.689 sản phẩm OCOP, trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao và chỉ có 0,2% sản phẩm đạt 5 sao. Trong đó có 38,1% chủ thể là HTX, 25,7% là doanh nghiệp, 33,4% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Thay vì sản xuất những sản phẩm thô, gần đây nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chuyển sang hướng sản phẩm xanh, sạch, thậm chí tinh chế nhằm bắt nhịp xu hướng tiêu dùng, qua đó tạo sức bật xuất khẩu cho thương hiệu.

Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, Chè Shan tuyết Hồng Thái của Hợp tác xã Sơn Trà (Tuyên Quang) bán rất chạy bởi người dùng tin ở chất lượng vốn có của loại chè cổ này cùng với thứ hạng sao đã được cấp. Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà chia sẻ: “Hiện nay, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của HTX Sơn Trà đều theo tiêu chuẩn hữu cơ: không có sâu bệnh, không thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp. Sản phẩm đang được bán thử nghiệm tại Pháp và Mỹ, hướng tới đạt chuẩn chất lượng OCOP 5 sao để xuất khẩu ra thị trường quốc tế”.

Hiện cả nước đã có 8.689 sản phẩm OCOP, trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao và chỉ có 0,2% sản phẩm đạt 5 sao.
Hiện cả nước đã có 8.689 sản phẩm OCOP, trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao và chỉ có 0,2% sản phẩm đạt 5 sao.

Nói về sản phẩm ống hút rau củ ECOS, Giám đốc Lê Văn Tám cho biết Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (Hà Nội) đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất ống hút từ nguồn rau, củ, quả sạch được trồng theo hướng hữu cơ. Sau 3 năm, quy trình sản xuất được hoàn thiện, hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu cùng các tiêu chuẩn đi kèm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đặc biệt, từ khi ống hút rau củ ECOS được xếp hạng OCOP 5 sao, sản phẩm đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, qua đó giúp hợp tác xã phát triển mạnh hơn.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao (Sơn La), chia sẻ vùng nguyên liệu cà phê trồng từ năm 1994 đã bị già cỗi, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê Sơn La, HTX đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê chất lượng cao. “Nhận thấy nhu cầu từ trong nước đến thị trường châu Âu đều ưa chuộng cà phê đặc sản, từ năm 2018, HTX đã mời các chuyên gia nước ngoài về tập huấn cho các thành viên HTX. Đồng thời, đón đầu phương pháp chế biến cà phê mật ong không sử dụng nước, vỏ làm trà cascara xuất khẩu, mang lại giá trị cao hơn, thân thiện với môi trường”, ông Thao cho biết.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều các doanh nghiệp đang chung tay phát triển những thương hiệu OCOP 5 sao để tạo ra sức bật trên thương trường quốc tế. Theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp biết tận dụng những gì sẵn có và xây dựng thương hiệu, giá trị đầu - cuối của sản phẩm thì sẽ giúp gia tăng sức bật của giá trị tài chính vô cùng lớn. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần quan tâm đến yếu tố bền vững ngay từ khi bắt đầu đi vào vận hành sản xuất, bởi đây là nhu cầu tất yếu của thị trường…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2023 phát hành ngày 15-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nỗ lực “nâng sao” OCOP để rộng đường xuất khẩu - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate