Động thái này nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh quốc tế cũng các hoạt động kinh tế khác của Nhật sau hơn một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Theo tin từ Nikkei Asia, một nhóm liên ngành do Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato dẫn đầu đang thảo luận về một chương trình hộ chiếu vaccine chính thức dành cho doanh nhân và một số đối tượng khác. Dự kiến, chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 của Nhật sẽ được phát hành vào mùa hè này, tiếp đó là giấy chứng nhận phiên bản điện tử - có thể dùng qua ứng dụng điện thoại - vào cuối năm nay.
THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, DU LỊCH
Nhật Bản đang tụt hậu hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Tuy nhiên, hiện nước này đang đẩy mạnh mua và phân phối vaccine Covid-19 do Pfizer và Moderna sản xuất. Từ tháng 4, nước này đã bắt đầu tiêm vaccine cho người dân từ 65 tuổi trở lên và dự kiến bắt đầu tiêm chủng tại các công sở từ ngày 21/6.
Hộ chiếu vaccine đang ngày được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ đưa vào sử dụng hộ chiếu vaccine từ ngày 1/7, trước khi gỡ bỏ các giới hạn đi lại trong khối.
Hộ chiếu vaccine được kỳ vọng sẽ giúp doanh nhân ở các quốc gia trên thế giới gặp gỡ trực tiếp thuận tiện hơn, giảm thiểu rủi ro nhiễm Covid-19 cho cả hai bên.
“Với giới doanh nhân, hộ chiếu vaccine là công cụ lý tưởng giúp họ đi lại tự do”, ông Ken Kobayashi, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Nhật Bản, cho biết.
Hộ chiếu vaccine của Nhật sẽ do chính quyền các địa phương phát hành, nơi có thông tin về nơi cư trú và chịu trách nhiệm tiêm vaccine cho người được cấp hộ chiếu. Các thông tin trên hộ chiếu bao gồm tên của người được cấp, tên nhà sản xuất vaccine và ngày tiêm vaccine. Tính xác thực của hộ chiếu được đảm bảo bởi chứng nhận tiêm vaccine được liên kết vào hệ thống hồ sơ tiêm chủng quốc gia.
Người có hộ chiếu vaccine sẽ phải trình giấy tờ này khi thực hiện các chuyến bay ra nước ngoài và khi nhập cảnh vào nước khác. Người ngoại quốc đang sống tại Nhật trở về nước là một trong những đối tượng kỳ vọng sẽ được cấp hộ chiếu vaccine.
“14 ngày tự cách ly sau khi về nước là trở ngại lớn nhất với việc du lịch nước ngoài. Điều này sẽ thay đổi nếu các hạn chế được nới lỏng với sự ra đời của chương trình hộ chiếu vaccine”, một nhân viên tại công ty du lịch H.I.S cho biết.
Chương trình hộ chiếu của Nhật tương tự như Chứng nhận COVID điện tử EU dự kiến ra mắt ngày 1/7 tới. Chứng nhận của EU được cấp cho những người đã tiêm vaccine Covid-19 hoặc đã hồi phục sau khi nhiễm bệnh. Những người này sẽ được miễn tự cách ly và xét nghiệm Covid-19. Hiện tại, 7 quốc gia EU, trong đó có Đức, đang triển khai thử nghiệm chương trình này.
Ngày 31/5, Ủy ban châu Âu khuyến nghị các nước thành viên dần nới lỏng hạn chế đi lại và tính đến việc phát hành hộ chiếu vaccine. EU dự kiến sẽ cho phép du khách từ bên ngoài khối, như Mỹ và Nhật Bản, nếu họ đã tiêm các loại vaccine được EU cấp phép.
NGUY CƠ XẢY RA PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ?
Tuy nhiên, một số người không ủng hộ cho rằng hộ chiếu vaccine có thể dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử với những người chưa tiêm vaccine.
Tại Mỹ, các bang có lập trường khác nhau về vấn đề này. Hồi tháng 3, bang New York đã đưa ra ứng dụng di động có tên Excelsior Pass, trong đó thể hiện lịch sử tiêm vaccine của người dùng. Đến nay, ứng dụng này đã có hơn 1 triệu lượt tải về.
Trong khi đó, bang Georgia cấm các cơ quan công vụ yêu cầu chứng nhận tiêm vaccine. Theo thống đốc Brian Kemp, tiêm chủng là quyết định cá nhân của mỗi công dân và nhân viên y tế chứ không phải của chính quyền bang. Georgia cho biết sẽ không chia sẻ hồ sơ tiêm chủng của người dân tại bang này với bất kỳ tổ chức công hoặc tư nhân nào để thực hiện chương trình hộ chiếu vaccine, dù bang này vẫn tiếp tục thúc giục người dân đi tiêm. Theo truyền thông Mỹ, ít nhất 10 bang có quyết định tương tự như Georgia.
Nhật Bản duy trì lập trường thận trọng với vấn đề này. Đã có đề xuất chính phủ nước này xây dựng hướng dẫn thống nhất để ngăn chặn tình trạng loạn quy định do các thành phố và công ty đặt ra với hy vọng nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế.
Để triển khai chương trình “hộ chiếu vaccine” hiệu quả cần có sự hợp tác quốc tế. Trong cuộc họp gần đây, nhóm các nước G7 thống nhất rằng các nước cần hợp tác để thực hiện điều này và hy vọng sớm tạo ra một khuôn khổ để công nhận hộ chiếu vaccine của nhau, trong đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữ vai trò trung tâm.