November 24, 2024 | 08:15 GMT+7

Nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp “ao ước” được nộp thuế VAT

Chu Khôi -

Theo nghị trình, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào ngày 26/11 tới. Trong đó vấn đề được dư luận đang vô cùng quan tâm là: Chính phủ đề xuất chuyển phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%...

Nông dân sẽ được lợi khi thu thế VAT đối với phân bón
Nông dân sẽ được lợi khi thu thế VAT đối với phân bón

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng phân bón để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một số đại biểu lại không đồng ý việc áp thuế với mặt hàng này do lo ngại ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân.

TƯ DUY "MIỄN THUẾ" LÀM KHỔ NÔNG DÂN

Từ trước tới nay, với quan điểm vì nông dân, thương nông dân, nên nước ta có chính sách miễn thuế đối với mọi sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt do nông dân sản xuất và bán ra. Nông dân Nguyễn Công Hoàng, chủ một trang trại chăn nuôi lợn quy mô 1.000 con tại huyện Sóc Sơn, cho biết toàn bộ lợn xuất chuồng đều không phải nộp thuế. “Chúng tôi luôn mong ước được đánh thuế, bởi việc miễn thuế đã khiến nông dân chúng tôi thua thiệt”, ông Hoàng chia sẻ.

Giải thích về mong muốn “ngược đời” này, ông Hoàng cho hay nhiều loại vật tư phục vụ chăn nuôi như hệ thống máy làm mát, thiết bị đường ống nước, khi nhập về vẫn phải nộp thuế VAT. Thuốc thú y là loại vật tư chiếm chi phí khá lớn trong chăn nuôi, hiện đang phải chịu thuế 5%. “Nói là được miễn thuế, nhưng thực ra nông dân chúng tôi vẫn phải nộp thuế VAT khi mua vật tư đầu vào. Giá như nhà nước cho sản phẩm chăn nuôi được chịu thuế VAT 0% hoặc 1%, thì chúng tôi sẽ được nhận lại khoản thuế VAT đã nộp khi mua vật tư. Nhưng vì được miễn thuế, nên chúng tôi không được hạch toán thuế. Rõ ràng vẫn nộp thuế mà lại mang tiếng được miễn thuế”, ông Hoàng phân trần.

 

"Nông dân chúng tôi mong muốn các nhà làm chính sách nên loại bỏ tư duy “ban ơn”, không nên dùng từ “miễn thuế” trong các chính sách thuế nữa, mà thay vào đó là “thuế suất 0%. Có như vậy, nông dân mới được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp”.

Nông dân Nguyễn Công Hoàng, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở Sóc Sơn, Hà Nội.

Cũng theo ông Hoàng, do là hộ nông dân không đăng ký doanh nghiệp, và do sản phẩm chăn nuôi trồng trọt không phải chịu thuế VAT, nên ông không được cơ quan thuế cấp hóa đơn VAT. Nếu xuất bán cho các doanh nghiệp giết mổ chế biến sẽ được giá cao hơn, nhưng sẽ phức tạp hơn, tốn thêm thời gian lo hóa đơn xuất hàng. Vì vậy, ông Hoàng thường chỉ bán lợn hơi cho thương lái với giá thấp hơn, bởi họ không yêu cầu xuất hóa đơn.

Không phải nông dân nào cũng đủ am hiểu để nhận ra sự thua thiệt khi được miễn thuế như ông Nguyễn Công Hoàng, vì vậy nông dân ở nước ta ít có thắc mắc về việc này. Đối với doanh nghiệp thì lại khác, việc các doanh nghiệp ngành phân bón đang tha thiết đề nghị xin được nộp thuế VAT 5%, mà không muốn được “miễn thuế” là minh chứng cho thấy sự thua thiệt khi được miễn thuế. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho rằng: “Khi thay đổi chính sách thuế VAT đối với mặt hàng phân bón sẽ tác động chủ yếu đến ba đối tượng gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng phân bón (nông dân). Do đó, cần phải phân tích nghiên cứu kỹ lưỡng xem ba đối tượng sẽ bị ảnh hưởng và lợi ích này có được hài hòa không?

Phân tích cụ thể hơn, ông Ngọc cho rằng khi áp dụng thuế VAT 5% thay vì miễn thuế phân bón sẽ có nhiều lợi ích.

Thứ nhất, nông dân sẽ được hưởng lợi, bởi doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào nên chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi, từ đó sẽ giảm giá phân bón.

Thứ hai, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, làm tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất sẽ làm tăng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững.

Thứ ba, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

SẼ TĂNG THU NGÂN SÁCH THÊM 1.541 TỶ ĐỒNG

Dưới góc nhìn của chuyên gia thuế, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam, khẳng định cần chuyển đổi áp thuế VAT 5% với phân bón. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên. Ông Được phân tích, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT sẽ gây ra nhiều bất cập. Bởi lẽ, thuế VAT đầu vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí của doanh nghiệp, làm giảm lợi nhuận, buộc họ phải cộng tiền thuế VAT đầu vào không được khấu trừ đã tính vào chi phí trong giá sản phẩm bán ra. Như vậy, người nông dân gián tiếp phải trả thuế, gây thiệt hại “kép” cho nông dân với phân bón giả, phân bón có giá thành cao, đồng thời có thể dẫn đến Nhà nước thất thu thuế.

 

"Hiện, thuế giá trị gia tăng đầu vào của sản xuất phân bón khoảng 10%. Khi được áp thuế giá trị gia tăng đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư, sửa chữa máy móc thiết bị, đầu tư công nghệ mới, xanh hóa sản xuất”. 

TS. Trần Thị Hồng Thủy, Chuyên gia của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC).

Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón có lợi thế không phải chịu thuế VAT ở khâu nhập khẩu đối với bán thành phẩm của phân bón hoặc sản phẩm phân bón. Họ cũng không phải chịu thuế VAT đầu ra nên không bị tác động giảm lợi nhuận do tác động chính sách thuế.

Phân tích định lượng tác động nếu áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, TS. Trần Thị Hồng Thủy, Chuyên gia của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), cho hay giá thành sản xuất phân Ure có dư địa giảm 2,0%. Có được điều này là nhờ các doanh nghiệp sản xuất phân Urê sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào lên tới 9,3%. Đối với doanh nghiệp sản xuất phân NPK sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào 6,4%, nhưng giá bán thành phẩm có thể tăng 0,09%.

Đối với doanh nghiệp sản xuất phân DAP, giá bán thành phẩm có dư địa giảm 1,13%, do được khấu trừ thuế VAT đầu vào ở mức 8,1%. Doanh nghiệp sản xuất phân lân, giá bán thành phẩm có dư địa giảm 0,87%, do được khấu trừ thuế VAT đầu vào 7,7%.

Phân tích định lượng đối với Nhà nước, bà Thuỷ cho biết nếu thuế áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế VAT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng, khấu trừ thuế VAT đầu vào là 4.713 tỷ đồng.

 
 
TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.
TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

"Trước năm 2015, mặt hàng phân bón chịu thuế suất 5%. Khi ấy với mong muốn hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh trước phân bón nhập khẩu, các doanh nghiệp ngành sản xuất phân bón đã kiến nghị Chính phủ đưa thuế VAT phân bón về 0%. Từ năm 2015, phân bón trở thành mặt hàng “miễn thuế” VAT. Thời điểm đó, chúng tôi vui mừng vì tưởng rằng “miễn thuế” đồng nghĩa với “thuế 0%”, nhưng khi thực thi thấy không phải như vậy. Rất nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón vẫn phải chịu thuế VAT, nếu áp dụng chính sách “thuế 0%”, thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế VAT đối với nguyên liệu đầu vào. Thế nhưng, vì là “miễn thuế” nên toàn bộ quá trình hạch toán quyết toán thuế VAT bị bãi bỏ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón không được kê khai để hoàn thuế. Khi không được nhận (hoàn) lại thuế VAT, doanh nghiệp sản xuất phân bón phải điều chỉnh tăng giá bán đầu ra khiến giá phân bón tới tay người tiêu dùng có thể tăng cao.

Trong khi đó, thuế nhập khẩu phân bón ưu đãi hiện hành từ các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam là 0 - 6% (tùy mã HS), trong đó, phân SA thuế 0%; phân Kali clorua thuế 0%; phân Kali sulphate thuế 0%; phân MAP thuế 0%, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Chính sách thuế bất hợp lý khiến nhập khẩu phân bón tăng rất mạnh trong thời gian qua. Năm 2022 Việt Nam nhập khẩu 3.39 triệu tấn phân bón, trị giá 1,62 tỷ USD; năm 2023 nhập khẩu 4,12 triệu tấn, trị giá 1,41 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu 2,5 triệu tấn phân bón, kim ngạch hơn 838 triệu USD"

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2024 phát hành ngày 25/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp “ao ước” được nộp thuế VAT - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate