Thông tin về tình hình công tác tháng 6/2024, Tổng cục Hải quan cho biết theo số liệu sơ bộ, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 64,12 tỷ USD, giảm 1,3% (tương ứng giảm 0,88 tỷ USD) so với tháng trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu trong tháng đạt 33,66 tỷ USD, tăng 4,3% (tương ứng tăng 1,39 tỷ USD) so với tháng trước và trị giá nhập khẩu trong tháng đạt 30,46 tỷ USD, giảm 6,9% (tương ứng giảm 2,27 tỷ USD) so với tháng trước. Như vậy, cán cân thương mại trong tháng 6/2024 xuất siêu 3,2 tỷ USD.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 51,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 26,34 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam 6 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 11,85 tỷ USD.
Theo ghi nhận, nền kinh tế trong nước bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc và xuất khẩu hàng hóa sau thời gian bị kìm hãm đã phục hồi rõ nét trong 6 tháng đầu năm do nhu cầu thị trường thế giới tăng trở lại. Nhờ đó, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực.
"Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 6/2024 đạt 33.291 tỷ đồng, giảm 17,6% so với tháng trước. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 200.460 tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán được giao, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước".
Tổng cục Hải quan.
Số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa là 88,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 16,5%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chịu thuế tăng 12,4% và kim ngạch nhập khẩu chịu thuế tăng 16,7% .
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan đánh giá tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 6 tháng đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, đặc biệt trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây là giai đoạn có sự gia tăng về các mặt hàng tiêu dùng.
Các đối tượng lợi dụng sự tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép như: động vật hoang dã, dược phẩm, mỹ phẩm, đồ điện tử, vàng, thuốc tân dược, khoáng sản...
Các đối tượng tập trung vận chuyển hàng trái phép tập trung tại các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không và các tuyến địa bàn ngoài cửa khẩu với nhiều phương thức, thủ đoạn. Nhiều vụ việc vi phạm được Tổng cục Hải quan phát hiện và xử lý.
Nêu rõ thủ đoạn tinh vi, Tổng cục Hải quan cho biết các đối tượng cất giấu hàng hóa trong hành lý ký gửi, hành lý xách tay; khai sai tên hàng, mã số HS, số lượng, chất lượng, trị giá; giả mạo hồ sơ, chứng từ...
Các đối tượng thường gửi hàng qua đường chuyển phát nhanh, sử dụng địa chỉ không chính xác để gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa là quà biếu cá nhân không nhằm mục đích thương mại; hoặc khai sai mã số, thuế suất, số lượng, chủng loại, chất lượng, trọng lượng, trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu...
"Trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.201 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan (tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2023), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 16.173 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 11 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 89 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách 381,4 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023".
Tổng cục Hải quan
Cùng với đó, theo Tổng cục Hải quan, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại tuyến đường hàng không và tuyến đường biển.
Hoạt động của các băng nhóm, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, hoạt động thương mại tìm cách thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi… phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ, biến Việt Nam trở thành điểm trung chuyển mới.
Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính và sự phối hợp của các lực lượng liên quan như công an, biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường, an ninh hàng không... cùng với quyết tâm, chủ động kiểm soát tình hình, Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn, nhằm cảnh báo, hướng dẫn địa phương về công tác kiểm soát chống buôn lậu trong địa bàn kiểm soát hải quan
Về kết quả công tác đấu tranh phòng chống ma túy, trong 6 tháng đầu năm 2024 (tính từ ngày 16/12/2023-15/6/2024), toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ: 183 vụ/216 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 69 vụ.
Tổng lượng ma tuý các loại bị thu giữ khoảng: 1,0270 tấn ma tuý các loại, cụ thể: 160 gram thuốc phiện; 191,1 kg cần sa; 62,4 kg heroin; 1,66 gram cocain; 76,1 kg và 900 viên ketamine; 571 kg và 06 viên ma tuý tổng hợp; 379,8 kg, 220 viên và 50,5 ml dạng ma tuý khác.