July 08, 2024 | 16:52 GMT+7

Thu ngân sách nhà nước giảm 4,21%, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra nguyên nhân chính

Thanh Thủy -

Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt trên 60.607 tỷ đồng, giảm 4,21% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chính là do nguồn thu từ mặt hàng chủ lực, gồm: ôtô, xăng dầu và sắt thép có sự biến động...

Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm là nguyên nhân dẫn đến số thuế phải thu của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh giảm. Ảnh minh họa.
Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm là nguyên nhân dẫn đến số thuế phải thu của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh giảm. Ảnh minh họa.

Theo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 60.607 tỷ đồng, tương đương gần 46,34% chỉ tiêu pháp lệnh (130.800 tỷ đồng), giảm 4,21% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong năm 2024, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh được giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 130.800 tỷ đồng, bằng 89,71% so với dự toán năm 2023 (145.800 tỷ đồng), tăng 7,3% số thực thu ngân sách nhà nước năm 2023 (121.192,9 tỷ đồng).

Lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết là do sự biến động của nguồn thu từ 3 mặt hàng chủ lực gồm ô tô, xăng dầu và sắt thép. Ba mặt hàng này chiếm tỷ trọng gần 35% trong tổng số thu ngân sách nhà nước của Cục. Do đó, sự biến động của các nguồn thu này sẽ tác động rất lớn đến số thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan Thành phố  Hồ Chí Minh.

Từ đầu năm đến nay, mặt hàng ô tô nguyên chiếc các loại vốn chiếm tỷ trọng khoảng 13% cơ cấu số thu ngân sách lại có kim ngạch giảm sâu, giảm 19,3% về lượng và giảm 35,4% về trị giá. Dẫn đến số thuế phải thu giảm gần 45% (tương ướng khoảng gần 6.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Hải quan Thành phố, số thu ngân sách nhà nước từ mặt hàng ô tô nguyên chiếc bắt đầu giảm sâu từ các tháng cuối năm 2023 và tiếp tục giảm trong năm 2024. Nửa cuối năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ô tô giảm dần do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sức mua suy giảm mạnh và do các loại xe lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ theo quyết sách của Chính phủ.

Xu hướng giảm mạnh của thị trường ô tô nhập khẩu diễn ra rõ nhất từ các thị trường lớn như Thái Lan và Indonesia, chiếm gần 80% thị phần nhập khẩu ô tô vào Việt Nam.

Nguyên nhân chính là ưu đãi thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2022 - 2027, hỗ trợ cho việc giảm giá xe nhập khẩu và tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với xe lắp ráp trong nước. Khoảng 20% còn lại được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, châu Âu, Mỹ.

Bên cạnh đó, phải kể đến tác động của chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng Chính sách này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các FTA được ký kết giữa Việt Nam và các đối tác kinh tế lớn như: Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Nga… cũng làm cho hoạt động nhập khẩu chịu nhiều thách thức. Thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng giảm theo lộ trình giảm thuế của các hiệp định FTA như EVFTA/UKVFTA từ 4,7% giảm về 3,5%, CPTTP giảm từ 2,1% về 1,7%..

Đồng thời, hệ thống logistics trên địa bàn Thành phố cũng không thuận lợi. Đơn cử, hệ thống giao thông bị ùn tắc và hoạt động thi công các dự án cơ sở hạ tầng xung quanh địa bàn cảng Cái Lái, ICD Phước Long Hiệp Phước làm tăng chi phí vận tải của doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính chung trong 5 tháng năm 2024, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam là 58.716 chiếc, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 47.390 chiếc, giảm 3,8% và ô tô vận tải là 4.343 chiếc, giảm mạnh 53,1%...

Tính đến ngày 30/6, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc giảm sâu với 19.023 chiếc nhập khẩu, giảm 30,2% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng giảm  2.463 chiếc. 

 

Tính đến ngày 30/6, số thu ngân sách tại 10 cục hải quan tỉnh, thành phố chiếm số thu lớn của toàn ngành Hải quan đạt 171.425 tỷ đồng, bằng 51,78% dự toán được giao, tăng 5,97% so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể:

Cục Hải quan Hải Phòng thu 34.451 tỷ đồng đạt 51,81% dự toán (tăng 4,01%); Hải quan Hà Nội thu 14.793 tỷ đồng đạt 44,07% dự toán (tăng 5,11%); Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu thu 10.604 tỷ đồng đạt 58,91% (tăng 25,97%); Cục Hải quan Đồng Nai thu 110.482 tỷ đồng đạt 55,88% dự toán (tăng 13,72%); Cục Hải quan Thanh Hóa thu 11.247 tỷ đông đạt 83% dự toán (tăng 31,62%); Cục Hải quan Quảng Ninh thu 9.482 tỷ đồng đạt 75,86% dự toán (tăng 21,24%); Cục Hải quan Bắc Ninh thu 6.507 tỷ đồng đạt 58,01% dự toán (tăng 24,34%); Cục Hải quan Hà Tĩnh thu 4.642 tỷ đồng đạt 49,38% dự toán (tăng 8,27%); Cục Hải quan Bình Dương thu 8.609 đạt 51,24% dự toán (tăng 10,76%).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate