Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, chất gây ô nhiễm chính là nồng độ PM2.5. Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội cao gấp 32 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. Trước đó, vào lúc 7h sáng nay, trang Air Visual cũng tiếp tục ghi nhận Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, đứng sau là Dhaka của Bangladesh và Delhi của Ấn Độ.
Một thành phố khác của Việt Nam cũng nằm trong top 5 vào thời điểm trên, là TP.HCM, với chỉ số chất lượng không khí ở mức 186, mức “không lành mạnh”. Cũng vào thời điểm này, thành phố có chất lượng không khí tốt nhất trong danh sách 124 địa điểm được IQAir theo dõi là Sydney. Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất.
Tại Việt Nam, theo VN Air - Ứng dụng cung cấp thông tin chất lượng môi trường không khí trên smartphone do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, chỉ số chất lượng không khí theo 2 trạm đo tại Hà Nội của VN Air cho kết quả khá tương đồng với AQI, cùng ở mức màu tím, với 2 chỉ số lần lượt là mức 226 và 216. Đây là số liệu ở khu vực đường Giải Phóng và đường Nguyễn Văn Cừ, 2 cửa ngõ ra vào nội đô, nơi vẫn luôn có lưu lượng giao thông rất lớn vào giờ cao điểm.
Tại TP.HCM, 2 trạm đo cho chất lượng không khí ở mức màu cam, mức “kém”. Cũng theo VN Air, chỉ số chất lượng không khí tốt nhất trên cả nước ở thời điểm 8g sáng 7/1 là tại trạm đo Gia Lai, trạm Diên Phú, với chỉ số chất lượng không khí ở mức 12, mức “Tốt.” Tiếp đó là khu vực Đông Tân - Hữu Lũng, Lạng Sơn, với chỉ số ở mức 13.
Ngoài ra, hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ghi nhận ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Thái Nguyên, Bắc Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Đáng lưu ý, mức độ ô nhiễm của Thái Nguyên vượt xa cả Hà Nội. Cả bốn điểm đo tại thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đều ở ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ mọi người). Tại Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam ô nhiễm cũng phổ biến ở ngưỡng tím và đỏ.
Theo nhận định trên trang theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, trong hai ngày 8 - 9/1, ô nhiễm không khí tiếp tục ở miền Bắc nhưng giảm nhẹ về mức độ. Thời gian này ô nhiễm chủ yếu ở ngưỡng đỏ và cam. Từ 10 - 12/1, do ảnh hưởng của một đợt gió mùa đông bắc, chất lượng không khí được cải thiện ở ngưỡng vàng (ngưỡng trung bình), phù hợp cho các hoạt động, vui chơi, tụ tập ngoài trời. Tuy nhiên, khoảng đầu tuần tới, ô nhiễm không khí có thể quay lại miền Bắc.
Cũng trong sáng nay, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo các biện pháp để người dân bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang nặng nề. Các khuyến cáo này được đưa ra dựa trên chỉ số chất lượng không khí AQI. Theo đó, khi chỉ số AQI chất lượng không khí ở mức kém đã có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là nhóm người nhạy cảm, cần giảm hoặc hạn chế các hoạt động ngoài trời để tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí.
Người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe phù hợp. Khi ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì xe cá nhân để giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Nếu phải lái xe, nên giảm thời gian tiếp xúc ngoài trời...
Bộ Y tế lưu ý khi chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình (AQI 51 - 100), người bình thường có thể tham gia hoạt động ngoài trời, nhưng người nhạy cảm nên hạn chế hoạt động mạnh ngoài trời và theo dõi sức khỏe.
Khi mức ô nhiễm ở mức kém (AQI 101 - 150), người dân cần giảm thời gian hoạt động ngoài trời, đặc biệt là các hoạt động cần sức khỏe cao. Người nhạy cảm nên tránh ra ngoài, nếu có thì cần giảm thiểu thời gian vận động.
Nếu mức ô nhiễm đạt ngưỡng xấu (AQI 151 - 200), người bình thường cần hạn chế các hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức.
Với mức ô nhiễm rất xấu (AQI 201 - 300), người dân tuyệt đối tránh hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động gắng sức. Khuyến khích ở trong nhà và sử dụng khẩu trang chuyên dụng khi ra ngoài.
Đặc biệt, đối với trẻ em, người già và những người mắc bệnh mạn tính, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe một cách nghiêm ngặt. Khi chỉ số chất lượng không khí đạt mức nguy hại (AQI 301 - 500), người bình thường và những người nhạy cảm cần tuyệt đối tránh mọi hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ và cửa ra vào, mở máy lọc không khí, để hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu. Mặc dù ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng từ điều kiện khí hậu, thời tiết, tuy nhiên dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Tổ chức y tế thế giới, tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần.
Sáng 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành". Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2025.
Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đề cập đến vấn đề ô nhiễm ở Hà Nội và cho rằng cần có đánh giá tổng thể. Theo ông Vinh, Đoàn giám sát cần rà soát xem nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội, các cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm thế nào? Bên cạnh đó, nên kiểm soát bụi xây dựng phát sinh trong quá trình phát triển đô thị, vì thông thường tăng trưởng nóng sẽ gắn với bụi xây dựng.