October 27, 2015 | 13:46 GMT+7

Obama đã mất kiên nhẫn với Tập Cận Bình như thế nào?

An Huy

Với hy vọng sẽ khiến ông Tập nói chuyện cởi mở, ông Obama đã tổ chức một bữa tối thân mật ở Nhà Trắng hôm 24/9

<span style="text-align: left;" dir="ltr" class="irc_su">Vẫn còn quá sớm để cho rằng Tổng thống Mỹ đã từ bỏ hoàn toàn mong muốn giải quyết vấn đề với Trung Quốc thông qua đối thoại - Ảnh: Washington Times.</span>
<span style="text-align: left;" dir="ltr" class="irc_su">Vẫn còn quá sớm để cho rằng Tổng thống Mỹ đã từ bỏ hoàn toàn mong muốn giải quyết vấn đề với Trung Quốc thông qua đối thoại - Ảnh: Washington Times.</span>
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối ngừng bồi lấp đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp trên biển Đông đã khiến quan điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với Bắc Kinh càng trở nên cứng rắn hơn, tờ báo Nikkei của Nhật cho hay.

Theo tờ báo này, nhìn chung, các nhà lãnh đạo thế giới có thể được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những người tự tin có thể giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại. Nhóm thứ hai gồm những người cho rằng có những đối thủ không bao giờ có thể nói chuyện.

Tổng thống Obama thuộc nhóm thứ nhất. Các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ tiết lộ rằng ông luôn lưỡng lự trong vấn đề triển khai quân đội. Tuy vậy, ngay cả Obama cũng đã bị đẩy tới giới hạn của sự chịu đựng, và điều này đã được thể hiện qua chuyến thăm Mỹ mới đây của ông Tập Cận Bình.

Với hy vọng sẽ khiến ông Tập nói chuyện cởi mở, ông Obama đã tổ chức một bữa tối thân mật ở Nhà Trắng hôm 24/9, một ngày trước khi diễn ra buổi quốc yến long trọng cũng tại Nhà Trắng. Bữa tối hôm đó chỉ có hai nhà lãnh đạo và một số cố vấn thân tín tham dự.

Hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông là một trong những chủ đề chính mà ông Obama muốn trao đổi với ông Tập trong bữa tối thân mật này.

Chỉ riêng việc xây đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp đã là chuyện gây tranh cãi, chưa kể Bắc Kinh còn bắt đầu xây dựng cơ sở quân sự trên một số hòn đảo đó. Trong bữa tối, ông Obama đã nói nhiều về vấn đề này và hối thúc ông Tập dừng việc xây dựng các công trình quân sự trên đảo nhân tạo.

Nhưng Obama không đạt được mục đích. Theo nguồn tin là quan chức Chính phủ Mỹ, ông Tập đã tỏ thái độ “vững như bàn thạch” với Tổng thống Mỹ.

Ngay sau bữa tối đó, với thái độ giận dữ, ông Obama đã ra lệnh cho một phụ tá thân cận liên lạc với Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Mỹ tại Thái Bình Dương. Trong cuộc liên lạc này, người đứng đầu Nhà Trắng lệnh cho hải quân Mỹ triển khai kế hoạch tuần tra ở biển Đông.

Theo kế hoạch, chiến hạm Mỹ sẽ đi vào khu vực 12 hải lý, tương đương khoảng 22 km, xung quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông. Theo luật pháp quốc tế, lãnh hải của một nước trải rộng trong 12 hải lý tính từ bờ biển.

Bởi vậy, cuộc tuần tra như vậy sẽ là một thông điệp rằng Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực này.

Giới chức cấp cao quân đội Mỹ đã đưa ra kế hoạch này từ tháng 6 và từng muốn hành động ngay lập tức, nhưng Obama đã trì hoãn ra lệnh. Tổng thống Mỹ đã hy vọng Washington sẽ không phải làm việc này sau cuộc nói chuyện trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Edward Luttwak, một chiến lược gia quân sự nổi tiếng của Mỹ, ông Obama nhận ra rằng thái độ hòa giải sẽ không nhận được sự hợp tác của Bắc Kinh. Và kế hoạch tuần tra trong phạm vi 12 hải lý sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Sự dịch chuyển chính sách này của Obama sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực châu Á, theo Nikkei.

Theo một số nguồn tin ngoại giao, Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á đã hối thúc Washington cử chiến hạm tới biển Đông. Các nước này cho rằng ổn định trong khu vực phụ thuộc vào việc thách thức nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực.

Từ góc nhìn này, quyết định của ông Obama là một tin tốt đối với Tokyo. Tuy vậy, nếu quân đội Trung Quốc cố gắng chặn chiến hạm Mỹ, thì điều đó có thể dẫn tới một cuộc xung đột mà cả hai bên có thể đều không muốn.

Trong trường hợp như vậy, Nhật Bản sẽ phải cân nhắc cách thức phản ứng. Điều này vô cùng quan trọng vì Quốc hội Nhật đã thông qua dự luật an ninh mới cho phép Nhật thực hiện phòng thủ tập thể - hỗ trợ đồng minh trong trường hợp đồng minh bị tấn công.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để cho rằng Tổng thống Mỹ đã từ bỏ hoàn toàn mong muốn giải quyết vấn đề với Trung Quốc thông qua đối thoại. Thái độ sẵn sàng đối thoại của ông Obama với những đối thủ thậm chí còn “nặng nợ” hơn đã dẫn tới thỏa thuận hạt nhân với Iran và quan hệ ngoại giao được tái lập với Cuba. Nên, ít khả năng ông Obama sẽ vội vã từ bỏ cách tiếp cận đã được minh chứng là đúng đắn như vậy.

Hiện ông Obama chỉ còn một năm cầm quyền. Một số quan chức Nhà Trắng ủng hộ chiến lược gồm hai phần song song: vừa duy trì áp lực đối với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, vừa hợp tác với Bắc Kinh trong những vấn đề như chống hiện tượng nóng lên toàn cầu và tái thiết Afghanistan.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate