Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/9 đặt bút ký thành luật một dự luật ngân sách tạm thời để Chính phủ nước này có thể duy trì hoạt động qua ngày 3/12.
Các nghị sỹ đã chạy đua với thời gian để kịp thông qua dự luật khẩn cấp này trước hạn chót vào nửa đêm theo giờ địa phương để ngăn việc Chính phủ phải đóng cửa.
Trước khi được chuyển tới Nhà Trắng, dự luật đã được thông qua tại lưỡng viện Quốc hội.
Thượng viện phê chuẩn dự luật với 65 phiếu thuận và 35 phiếu chống. Tất cả 50 thượng nghị sỹ Dân chủ bỏ phiếu thuận, và 15 nghị sỹ Cộng hoà ủng hộ dự luật này.
Tại Hạ viện, dự luật được phê chuẩn với 254 phiếu thuận và 175 phiếu chống. Tất cả các hạ nghị sỹ Dân chủ và 34 hạ nghị sỹ Cộng hoà bỏ phiếu thuận.
Với đạo luật ngân sách tạm thời, Chính phủ Mỹ được tiếp tục chi tiêu ở mức hiện tại đến hết ngày 3/12, để Quốc hội Mỹ có thời gian đưa ra một dự luật ngân sách cả năm.
Nếu Chính phủ Mỹ hết tiền và phải đóng cửa, hàng nghìn công chức liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời và nhiều dịch vụ công sẽ rơi vào ngưng trệ. Một tình huống như vậy cũng sẽ đặt ra thách thức lớn đối với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Mỹ.
Như vậy, Quốc hội Mỹ đã chặn được một nguy cơ khủng hoảng, nhưng vẫn còn một cuộc khủng hoảng khác, nghiêm trọng hơn đang hình thành. Các nghị sỹ cần phải nâng trần nợ quốc gia trước ngày 18/10 để ngăn nguy cơ Chính phủ vỡ nợ - một sự kiện có tính “thảm hoạ”, có thể gây mất hàng triệu việc làm, tổn thất lớn về kinh tế, và một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán.
Phe Dân chủ, những người nắm quyền kiểm soát lưỡng viện, muốn đưa cả nội dung đình chỉ trần nợ quốc gia vào dự luật vừa được thông qua. Tuy nhiên, việc này đã bị phe Cộng hoà cản trở.
Các nghị sỹ Cộng hoà muốn phe Dân chủ phải nhượng bộ trong các vấn đề về thuế và chi tiêu trong các dự luật chi tiêu khổng lồ mà chính quyền ông Biden khởi xướng, nhất là dự luật đầu tư hạ tầng gần 1 nghìn tỷ USD. Phe Cộng hoà tin rằng nếu Chính phủ vỡ nợ, Đảng Dân chủ sẽ hứng sự chỉ trích bởi họ là những người nắm cả Nhà Trắng và Quốc hội. Đây là một phần trong chiến lược của Đảng Cộng hoà để chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022.
Nếu trần nợ không được nâng hoặc đình chỉ tạm thời, Chính phủ Mỹ sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính hiện tại, đồng nghĩa với đối mặt khả năng vỡ nợ.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, từ năm 1960 đến nay, Quốc hội nước này đã nâng hoặc đình chỉ trần nợ 78 lần, mà lần gần đây nhất là vào năm 2019. Những lần Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ thường không đi kèm với nhiều kịch tính, nhưng cuộc chiến về trần nợ và thâm hụt ngân sách vào năm 2011 đã dẫn tới việc tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử.