January 11, 2022 | 11:25 GMT+7

Pfizer bắt đầu sản xuất vaccine dành riêng chống Omicron

Trang Linh -

Hãng dược Mỹ Pfizer Inc. đã phát triển thành công và bắt đầu sản xuất một loại vaccine lai – kết hợp giữa vaccine Covid-19 gốc với một công thức giúp bảo chống lại biến thể Omicron...

Pfizer sẵn sàng xin cấp phép vaccine dành riêng cho biến thể Omicron vào tháng 3/2022 - Ảnh: Getty Images
Pfizer sẵn sàng xin cấp phép vaccine dành riêng cho biến thể Omicron vào tháng 3/2022 - Ảnh: Getty Images

Đây là thông tin được ông Albert Bourla, CEO của Pfizer đưa ra tại Hội thảo Y tế JPMorgan diễn ra vào ngày 10/1.

Theo ông Bourla, dù loại vaccine này vẫn được tiếp tục được nghiên cứu, Pfizer xác định công thức lai mới này dành riêng để chống lại biến thể Omicron và dự kiến sẵn sàng xin cấp phép tại Mỹ vào tháng 3 tới để đưa ra thị trường. Hiện tại, Pfizer đã bắt đầu sản xuất loại vaccine này.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2021, không lâu sau khi Omicron được phát hiện lần đầu tại Nam Phi, Pfizer thông báo hãng đang nghiên cứu một loại vaccine dành riêng cho biến thể mới có khả năng lây lan nhanh này, theo Bloomberg.

Trước khi có loại vaccine dành riêng cho Omicron, các nghiên cứu cho thấy việc tiêm liệu trình 2 mũi tiêm vaccine Pfizer vẫn mang lại hiệu quả trong việc ngăn nguy cơ mắc bệnh thể nặng do biến chủng này. Tuy nhiên, liệu trình 2 mũi tiêm hiện chỉ có tác dụng khoảng 33% trong việc chống nhiễm. Mũi tiêm thứ ba bằng vaccine này sẽ giúp nâng mạnh khả năng chống mắc Covid do Omicron.

Tuy nhiên, đầu tháng này, trong một cuộc trao đổi với CNBC, ông Bourla nói rằng mũi tiêm thứ tư có thể cần thiết và phải được tiêm sớm do biến chủng Omicron có tốc độ lây nhanh.

Hãng dược Mỹ và đối tác Đức BioNTech hiện cũng đang thử nghiệm các phiên bản vaccine với liệu trình tiêm nhiều mũi hơn và đang tiến hành đánh giá hiệu quả của các liệu trình khác nhau.

Ông Bourla cho biết Pfizer hiện cũng đang tìm cách ứng dụng công nghệ mRNA của mình vào các sản phẩm khác.

“Rõ ràng mRNA là một công nghệ rất mạnh mẽ và chúng ta mới chỉ đang khai thác được bề nổi của nó”, CEO Pfizer nhấn mạnh tại hội nghị.

Cũng trong ngày 10/1, Pfizer công bố ba thỏa thuận xây dựng nhượng quyền thương hiệu với 3 ứng viên thuốc sử dụng công nghệ mRNA để điều trị Covid, bệnh hiếm gặp và ung thư. Hãng này cũng đang đẩy mạnh phổ biến thuốc điều trị Covid-19 dạng uống Paxlovid của mình.

“Trong vài tuần tới, thuốc của chúng tôi (Paxlovid) sẽ có mặt ở khắp nơi”, ông Bourla nói về việc phủ sóng loại thuốc này tại thị trường Mỹ.

Trước đó, ngày 22/12/2021, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chính thức phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đối với thuốc viên uống đặc trị Covid của hãng dược Pfizer. Động thái này được coi là một cột mốc lớn, hứa hẹn tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc chiến của thế giới chống lại virus Sars-CoV2. Đây là thuốc kháng virus Sars-CoV-2 dùng đường uống đầu tiên được FDA phê duyệt.

Biến thể Omicron hiện đã lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đầu tháng này, CEO Stephane Bancel của hãng dược Moderna nói rằng Omicron có thể đẩy nhanh sự dịch chuyển của virus Sars-nCoV-2 từ đại dịch trở thành một căn bệnh thường gặp (endemic) – giai đoạn mà thế giới có nhiều người có miễn dịch đến mức Covid không còn gây đảo lộn cuộc sống.

Tuy nhiên, ông Bancel cũng cảnh báo thế giới không nên chủ quan vì những dự báo như vậy. Ông nói rằng biến chủng Omicron với hàng chục đột biến đã khiến cộng đồng khoa học sửng sốt. Các dữ liệu đến hiện tại cho thấy biến chủng này lây nhanh hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn các biến chủng trước. Dù vậy, đây mới là đánh giá ban đầu và một đột biến nào đó hoàn toàn có thể khiến tình hình đại dịch thay đổi.

“Điều không ai có thể đoán trước, là một đột biến mới có thể xuất hiện sau vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng nữa, khiến cho virus trở nên nguy hiểm hơn”, ông nói. “Đó chính là điều mà chúng ta phải cảnh giác”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate