Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos-Klosters, Thụy Sỹ từ ngày 15-19/1/2024. Thời điểm các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, tình hình thương mại toàn cầu, điều gì có thể xảy ra nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng năm nay... là những chủ đề chính tại chuỗi sự kiện năm nay.
Dưới đây là một số phát biểu đáng chú ý từ sự kiện này.
ADENA FRIEDMAN
Phát biểu tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ WEF, bà Adena Friedman, CEO công ty dịch vụ tài chính Nasdaq Inc., nhận định về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt lãi suất và cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên thận trọng để không đưa ra quyết định quá sớm.
“Dù có rất nhiều tín hiệu cho thấy nên hạ lãi suất, câu hỏi đặt ra là khi nào nên bắt đầu. Nếu tôi là Fed, tôi sẽ hơi lo lắng về việc bắt đầu hạ lãi suất quá sớm. Dù lạm phát đang đi đúng hướng nhưng có thể sẽ chỉ hạ nhiệt ở mức vừa phải, khiến cho việc hạ lãi suất trở nên khó khăn hơn”, nữ CEO nhận định.
JAMIE DIMON
Bên lề WEF tại Davos, ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng JPMorgan, gọi tiền ảo Bitcoin là thứ vô dụng.
“Tôi gọi Bitcoin là pet rock (một loại thứ cưng bằng đá)”, ông Dimon nói với CNBC. “Cũng có một số tiền ảo thực sự mang lại ý nghĩa nào đó, nhưng cũng có loại thật sự vô dụng”.
CHRISTINE LAGARDE
Trong một phiên thảo luận ở WEF hôm 19/1, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo năm 2024 sẽ là một trong những năm “bất bình thường” về kinh tế, sau khi chứng kiến quá trình bình thường hóa trong năm 2023.
“Tiêu dùng, thương mại và lạm phát đã bắt đầu trở lại bình thường trong năm ngoái, sau giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 kỳ lạ, bất thường và khó phân tích”, bà Lagarde phát biểu.
Theo bà, đại dịch khiến tiêu dùng giảm xuống, tiền tiết kiệm tăng lên, trong khi thương mại toàn cầu bị gián đoạn. Tháng 10/2022, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro zone) tăng vọt lên 10,6%, nhưng đã hạ nhiệt trong phần lớn thời gian của năm 2023, rồi lại tăng lên 2,9% vào tháng 12.
“Dù những xu hướng này cho thấy sự ‘bình hường hóa’ nhưng giờ đây chúng ta lại đang hướng tới những điều bất bình thường”, chủ tịch ECB nói.
EMMANUEL MACRON
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 17/1 kêu gọi châu Âu quyết đoán hơn trên trường quốc tế trước cuộc bầu cử Mỹ năm nay.
“2024 sẽ là năm bản lề với châu Âu. Chúng ta phải chứng minh rằng chúng ta có tiếng nói rõ ràng hơn, nỗ lực nhiều hơn, bất kể điều gì xảy ra ở Mỹ”, ông Macron nói về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp cũng bày tỏ quan ngại về tác động của kết quả bầu cử tới căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Rủi ro lớn với châu Âu là họ (chính quyền mới của Mỹ) sẽ có chương trình nghị sự sai lầm”, ông nói.
LÝ CƯỜNG
Tại một sự kiện của WEF hôm 16/1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi các quốc gia “tăng cường hợp tác hơn nữa trong đổi mới sáng tạo”.
“Những thành quả về khoa học và công nghệ nên mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại, thay vì trở thành một công cụ thể hạn chế hoặc kìm hãm sự phát triển của các quốc gia khác”, ông Lý Cường phát biểu.
Dù người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc không nêu đích danh quốc gia nào, nhưng thời gian qua, Bắc Kinh nhiều lần yêu cầu Washington gỡ bỏ hạn chế mua công nghệ tiên tiến đối với doanh nghiệp Trung Quốc.
Với kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 5,2% năm 2023, ông Lý Cường nhấn mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế, Bắc Kinh sẽ không sử dụng các biện pháp kích thích quá lớn bởi không muốn tăng trưởng ngắn hạn mà tích lũy rủi ro dài hạn.
RAY DALIO
Ông Ray Dalio, người sáng lập kiêm giám đốc đầu tư của công ty đầu tư Bridgewater Associates, nhận định 2024 sẽ là “năm bản lề” khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và nhiều sự kiện địa chính trị khác, dự báo sẽ tác động lớn tới thị trường.
“Xét tới vấn đề chính trị, địa chính trị, tôi cho rằng chúng ta không tính được những rủi ro từ đó, bởi đây là điều rất khó”, ông Dalio phát biểu tại một sự kiện tại WEF hôm 16/1.