September 24, 2013 | 07:45 GMT+7

Phát hiện hàng loạt doanh nghiệp FDI khai lỗ lớn

Anh Minh

Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp FDI khai lỗ lớn trong khi vẫn mở rộng hoạt động

Công ty TNHH Meiko Việt Nam, một doanh nghiệp khai lỗ lớn vừa được thanh tra.<br>
Công ty TNHH Meiko Việt Nam, một doanh nghiệp khai lỗ lớn vừa được thanh tra.<br>
Thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành một đợt thanh tra về việc chấp hành pháp luật về thu nộp ngân sách nhà nước tại khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Kết quả thanh tra đã nêu lên nhiều vấn đề bất cập liên quan đến vấn đề này cũng như từng doanh nghiệp cụ thể, trong đó đặc biệt đáng chú ý là tình trạng các doanh nghiệp FDI liên tục khai lỗ lớn trong thời gian qua.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2011, qua kiểm tra 399 doanh nghiệp ở khu chế xuất có số thu phải nộp thuế, đã phát hiện ra 125 doanh nghiệp hạch toán lỗ trong ba năm 2009 - 2011. Trong số này, có tới 36 doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp với tổng mức lỗ lên tới trên 2.800 tỷ đồng; 69 doanh nghiệp khác có mức lỗ 2 năm liên tiếp với tổng mức lỗ 1.829 tỷ đồng.

Trong số này, đáng chú ý là trường hợp Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam. Công ty 100% vốn Nhật Bản có trụ sở tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội này có số lỗ lũy kế 3 năm lên tới hơn 777 tỷ đồng.

Cũng tại Hà Nội, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam có số lỗ 3 năm là hơn 300 tỷ đồng. Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam chính thức được trao giấy chứng nhận đầu tư vào Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, huyện Thạch Thất, Hà Nội vào cuối năm 2010. Nhà máy của Meiko tại Hà Nội là một trong 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất năm 2006 và là dự án sản xuất điện tử có vốn FDI lớn nhất vào Việt Nam tại thời điểm cấp phép.

Đồng Nai đóng góp tới 4 cái tên trong danh mục doanh nghiệp khai lỗ lớn được kiểm tra đợt này, trong đó đáng chú ý là Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia với mức lỗ lũy kế 3 năm là hơn 430 tỷ đồng.

Hai cái tên đáng chú ý còn lại cũng thuộc địa bàn Đồng Nai là Công ty TNHH Kureha Việt Nam với mức lỗ lũy kế 3 năm là 264 tỷ đồng và Công ty TNHH Olympus Việt Nam với mức lỗ lũy kế 2 năm là 256 tỷ đồng.

Tp.HCM và Bình Dương cũng “đóng góp” hai đại diện trong danh sách lỗ lớn được thanh tra, bao gồm Công ty TNHH Freetrend Industriala Việt Nam (Tp.HCM) với mức lỗ 2 năm là trên 222 tỷ đồng và Công ty TNHH Saigon Stec (Bình Dương) với mức lỗ lũy kế 3 năm trên 218 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều mà Thanh tra Chính phủ phát hiện là trong bối cảnh khai lỗ liên tục và lớn, một số doanh nghiệp vẫn có “tốc độ tăng doanh thu hàng năm vẫn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng, nhiều doanh nghiệp đã có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu”.

Cơ quan này cũng cho rằng việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế xuất không hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó “có nguyên nhân từ việc chuyển giá trong giao dịch liên kết”. Tình trạng này đã “không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn tạo nên sự mất công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nhiều hệ quả xã hội khác”.

Tuy nhiên, cho đến nay, do không xác minh được thông tin đầu ra đối với các doanh nghiệp nước ngoài nên cơ quan thuế không đủ cơ sở để xem xét, xử lý tình trạng này.

Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp chế xuất được tổng hợp trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục được VnEconomy thông tin rộng rãi đến bạn đọc.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate