Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú và đa dạng.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH SINH THÁI GẮN VỚI DƯỢC LIỆU
Qua điều tra thống kê, có trên 5.100 loài cây dược liệu đã được ghi nhận, trong đó khoảng hơn 200 loài đã được có giá trị thương mại. Có nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm đặc hữu vừa có công dụng chữa bệnh vừa có giá trị kinh tế cao, được phân bố rộng khắp trên cả nước.
Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch 08 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có tiềm năng dồi dào cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Tại Việt Nam, du lịch sinh thái cộng đồng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển ở các vùng nông thôn nước ta, tạo nhiều cơ hội cho cộng đồng địa phương thu nhập trực tiếp từ hoạt động du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ và phát triển bền vững.
ThS. Lê Minh Tuấn, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận xét: "Với các lợi thế như vậy, nếu gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế “lai” dựa trên nền tảng văn hóa– cảnh quan– thảo dược có dung lượng lớn, có thể xuất khẩu tại chỗ".
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI GẮN VỚI DƯỢC LIỆU
Để phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu. ThS. Tuấn cho rằng Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia.
Ví dụ như Đức là một trong những quốc gia hàng đầu trong phát triển các mô hình du lịch sinh thái kết hợp với dược liệu. Chính phủ Đức đã thực hiện các chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong việc xây dựng các mô hình du lịch bền vững. Các vườn dược liệu được quy hoạch và xây dựng tại các khu vực có tiềm năng về sinh thái, kết hợp với các hoạt động du lịch như tham quan, học hỏi về dược liệu và các phương pháp chăm sóc sức khỏe truyền thống.
Một trong những mô hình thành công là khu bảo tồn thiên nhiên Black Forest (Rừng Đen), nơi du khách có thể khám phá các loài dược liệu bản địa, tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe tự nhiên và thư giãn thông qua việc sử dụng các sản phẩm từ dược liệu. Chính phủ Đức cũng chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của người dân bản địa, đảm bảo rằng lợi ích từ phát triển du lịch được phân chia công bằng và mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.
Cùng trong khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có truyền thống lâu đời về việc sử dụng dược liệu trong y học và chăm sóc sức khỏe, và đã tích cực kết hợp dược liệu vào các chương trình du lịch sinh thái.
Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược liệu từ thiên nhiên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tham gia vào việc phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp với dược liệu. Việc gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ đã giúp Nhật Bản xây dựng các mô hình du lịch bền vững, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Trong khi đó, Hàn Quốc đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến dược liệu. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc còn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông qua các chương trình kiểm tra chất lượng và chứng nhận sản phẩm dược liệu.
8 GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH DU LỊCH SINH THÁI GẮN VỚI DƯỢC LIỆU
Theo ThS. Tuấn, việc kết hợp giữa du lịch và ngành dược liệu tạo ra sự khác biệt dựa vào ưu thế về tài nguyên dược liệu phong phú, kiến thức sử dụng đa dạng của các dân tộc và cảnh quan phong phú của đất nước.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế du lịch được thúc đẩy thông qua ngành dược liệu và do các cộng đồng địa phương triển khai dưới hình thức hợp tác xã, nơi mà người dân vừa là người gìn giữ sự đa dạng sinh học và cảnh quan, vừa trồng và tham gia kinh doanh du lịch.
Từ những kinh nghiệm quốc tế, ThS. Tuấn đề xuất 8 giải pháp chính sách để thực hiện việc mô hình phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu phù hợp với điều kiện và thực trạng của Việt Nam.
Thứ nhất, nghiên cứu nghiêm túc, có căn cứ việc về việc trồng dược liệu. Lựa chọn cây dược liệu hiệu quả, đặc sắc và hợp với vùng khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Theo ông Tuấn, việc này, nếu có thể, nên để các doanh nghiệp và các hộ gia đình sản xuất dược liệu trong chuỗi giá trị tự đánh giá thị trường, liên kết với sản xuất chế biến sâu, chủ động đưa ra đề xuất và tham gia vào quá trình phát triển
Thứ hai, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới trong lĩnh vực du lịch, tập trung vào việc kinh doanh dựa trên giá trị văn hóa địa phương, đồng thời xây dựng không gian văn hóa và dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp với đặc trưng của từng vùng.
Thứ ba, xây dựng một hệ thống chuẩn hóa bao gồm các tiêu chuẩn về sản phẩm dược liệu và dịch vụ du lịch, đảm bảo tính đồng nhất về chất lượng, quy trình sản xuất, an toàn và hiệu quả.
Hệ thống cần cân nhắc việc bảo tồn văn hóa địa phương, tính bền vững, và khả năng mở rộng để tạo ra các sản phẩm và trải nghiệm du lịch có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Địa phương có thể thuê các nhóm chuyên gia chuyên sâu để tư vấn triển khai, đồng thời điều chỉnh quy hoạch của địa phương theo mô hình làng văn hóa du lịch sinh thái kết hợp với dược liệu.
Điều này nhằm đảm bảo quy hoạch không bị chồng chéo, giữ gìn được bản sắc riêng của từng địa phương và đảm bảo sự hỗ trợ chuyên nghiệp cho từng địa phương trong quá trình thực hiện dự án.
Thứ tư, cần xây dựng chính sách khuyến khích và thu hút những người có kinh nghiệm, kỹ năng, và được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực du lịch và dược liệu, đặc biệt là người địa phương để làm việc, đầu tư và kinh doanh. Chính sách này sẽ góp phần bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch và dược liệu trong tỉnh.
Thứ năm, về quảng bá, truyền thông và kết nối thị trường: Gắn kết các chủ thể sản xuất– kinh doanh tại cộng đồng với các chủ thể khác trong chuỗi giá trị (như các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các nhà hàng,…) nhằm kéo dài chuỗi giá trị, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, cần xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp du lịch và lữ hành ưu tiên tiêu thụ các sản phẩm do người dân địa phương sản xuất. Điều này không chỉ giúp hỗ trợ phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho du lịch, thông qua việc giới thiệu và quảng bá các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.
Các chính sách có thể bao gồm các ưu đãi về thuế, hỗ trợ quảng bá hoặc các chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
Thứ sáu, địa phương cần có chính sách khuyến khích các công ty du lịch, lữ hành của địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch với những yếu tố độc đáo. Điều này không chỉ mang đến trải nghiệm phong phú cho du khách mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa.
Thứ bảy, địa phương cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại các làng văn hóa du lịch gắn với dược liệu, bao gồm việc cung cấp hạ tầng cần thiết như đường giao thông, điện, nước, và công nghệ thông tin.
Ngoài ra, chính quyền địa phương giúp đỡ hướng dẫn các làng văn hóa du lịch tổ chức công việc đón tiếp ứng xử với khách; giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Việc hỗ trợ sẽ giúp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào chuỗi giá trị du lịch và dược liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.
Thứ tám, địa phương cần trao quyền tự quyết cho các tuyến dưới trong lựa chọn phương thức, định hướng và mô hình phát triển du lịch và dược liệu, đảm bảo khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh và tiềm năng riêng của từng vùng.
Việc này sẽ giúp mỗi vùng có sự linh hoạt trong phát triển các làng văn hóa du lịch kết hợp với dược liệu, phù hợp với đặc trưng văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực của mình, từ đó tạo ra những sản phẩm và dịch vụ du lịch độc đáo, mang đậm dấu ấn địa phương và thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn diện.