Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ riêng với một quốc gia nào mà là vấn đề toàn cầu. Điều này mở ra nhiều cơ hội cũng như đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ
Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm đề ra Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đang trong quá trình triển khai tích cực.
Đối với TP.HCM, từ thực tiễn kinh tế-xã hội, vị trí, vai trò của mình và trên cơ sở chính sách chung của Trung ương, đã và đang tập trung triển khai Chương trình chuyển đổi số của Thành phố đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030, gắn chương trình này với 6 chương trình đột phá trong giai đoạn 2021-2025.
Do đó, khi xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM giai đoạn 2022-2025”, TP.HCM đã đề ra mục tiêu và quyết sách: thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.
HEF 2022 là hoạt động thiết thực giúp Thành phố trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số nhằm mục đích thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số; điều chỉnh, bổ sung các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn Thành phố, giúp doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả; tạo cơ hội để các cá nhân và tổ chức đề xuất các kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích và quản lý phát triển kinh tế số; phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kinh tế số.
PHẤN ĐẤU KINH TẾ SỐ GÓP 25% GRDP
Tại Diễn đàn HEF 2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã đưa ra 4 đề luận.
Thứ nhất, với quy mô đô thị hơn 10 triệu người, TP.HCM là địa phương đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi hội tụ gần 40% số lượng doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp và nhất là tiềm lực về khoa học - công nghệ và giáo dục- đào tạo; với hệ thống đại học quốc gia, các trường, viện nghiên cứu với lực lượng chuyên gia rất phong phú được đào tạo từ nhiều nguồn và trong nhiều lĩnh vực. Do đó, Thành phố đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025 TP.HCM trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đến năm 2030, TP.HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học- công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đến năm 2025 sẽ đóng góp khoảng 25%; đến năm 2030 sẽ là 40% trong GRDP của Thành phố.
Thứ hai, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 - tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố đã và đang triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương trên địa bàn; đồng thời xây dựng một hệ thống các biện pháp và giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực, phát huy tính năng động, sáng tạo vốn có của người dân Thành phố thông qua từng chương trình, đề án cụ thể cho từng năm, với phương châm: đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…
Thứ ba, triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, bao gồm: hợp tác về chuyển đổi số trong khuôn khổ hợp tác chung giữa Ủy ban Nhân dân TP.HCM và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; tập trung công tác quản trị dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội Thành phố; tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn thành phố và phát triển kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp, và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp; triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” để thúc đẩy đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.
Phát triển đồng bộ hạ tầng số phục vụ kinh tế số và xã hội số theo Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030. Nghiên cứu để triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng; cơ chế để các doanh nghiệp sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tập trung triển khai Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp làm nền tảng kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố. Nghiên cứu Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM với ba chức năng chính: thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh vận hành dựa vào lợi thế công nghệ số.
Thứ tư, đặc điểm kinh tế TP.HCM là hơn 95% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với hơn 300 ngàn hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, trong đó nổi bật là yếu tố nhân lực kể cả hai khía cạnh: nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp (động lực và trở lực đang đan xen nhau). Có lẽ quá trình chuyển đổi số vấn đề công nghệ quan trọng, nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người. Do đó, vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Mối quan hệ giữa Nhà nước - doanh nghiệp và người dân được kỳ vọng là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số.