Chia sẻ tại hội thảo “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” trong khuôn khổ Diễn đàn logistics Việt Nam 2022 ngày 26/11/2022, các diễn giả đến từ các doanh nghiệp dẫn đầu về logistics đã cùng bàn luận về một nội dung tuy mới mẻ nhưng có tính thực tiễn cao. Đó là xu hướng phát triển trung tâm logistics và lợi ích của trung tâm logistics đối với việc tối ưu hóa chi phí.
BẤT CẬP DO TRUNG TÂM LOGISTICS QUY HOẠCH SAU KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐÔ THỊ
Từ góc độ của một công ty thương mại điện tử quốc tế đồng thời là một trong những đơn vị khai thác thương mại điện tử lớn nhất tại Đông Nam Á, ông Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam đánh giá các trung tâm logistics không chỉ góp phần gia tăng hiệu quả trong hoạt động logistics, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Tốc độ tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống logistics phục vụ cho thương mại điện tử, trong đó bao gồm các trung tâm logistics”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Hiện nay các nước Đông Nam Á cũng đang phát triển theo xu hướng đó. Bản thân Việt Nam cũng đang hình thành trung tâm logistics này. Theo ông Thịnh, các trung tâm logistics ở Việt Nam mới bắt đầu hình thành nhưng logistics đã có từ lâu, mang tính rải rác nên hiệu quả chưa cao.
“Rõ ràng khi chúng ta tập trung, xây dựng được những trung tâm logistics và đi kèm là hệ sinh thái cho logistics như cơ sở hạ tầng, đường xá, giao thông, công nghệ thông tin… sẽ giúp tối ưu hóa chi phí logistics hơn”, ông Thịnh cho biết.
Mặc dù vậy, sự phát triển các trung tâm logistics ở Việt Nam hiện đang có sự chưa cân bằng. Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, với quan điểm phát triển chung, hệ thống cảng biển trên cả nước đều cần có sự phát triển đồng bộ, có tính kết nối cao.
Song do điều kiện địa lý, tự nhiên nên ảnh hưởng rất lớn đến đặc thù phát triển của các trung tâm logistics. Với khu vực miền Nam, các loại hình, phương thức vận tải đầy đủ, dồi dào, có khả năng kết nối cao.
Ngược lại, miền Bắc với địa lý không bằng phẳng, mức tập tập trung các khu công nghiệp không cao, do vậy phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ, thiếu một số phương thức vận tải quan trọng như đường thủy, đường sắt, sự kết nối hàng không chưa cao.
Đặc biệt ở thời điểm hiện tại, nếu xét tính đồng bộ về mặt quy hoạch, khả năng kết nối vùng thì ở miền Bắc các vùng kinh tế thì các trung tâm logistics thường được quy hoạch sau kết cấu hạ tầng đô thị.
CẦN TÍNH TỚI KHẢ NĂNG KẾT NỐI VÀ TƯƠNG TÁC
Để các trung tâm logistics miền Bắc phát triển đúng nghĩa, đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đưa ra một số đề xuất, trong đó có vấn đề quy hoạch.
Theo đó, quy hoạch tổng thể trong trung tâm logistics cần có nghiên cứu sâu về kết nối giữa các vùng kinh tế. Đồng nghĩa với việc, trung tâm logistics ở vùng này không chỉ để sử dụng cho vùng đó mà cần có sự tương tác.
Ông Trung cũng thẳng thắn nhận xét rằng các trung tâm logistics phía Bắc vẫn đang có tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Một số kho, trung tâm rất đông khách, nhưng một số nơi khác có quy hoạch, tỉnh ủng hộ nhưng chưa phát triển. Điều này cho thấy, chúng ta chưa quan tâm tới khả năng kết nối và tương tác.
Vì vậy, cần đẩy mạnh các trung tâm logistics theo hướng hoàn thiện hơn các kết nối về mặt thông tin, hạ tầng và tài nguyên với các trung tâm logistics và thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng có thể sử dụng chung nguồn lực...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49 phát hành ngày 05-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam