Tại Hội thảo chuyên đề 2: Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới chiều 26/11 trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, PGS.TS. Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đánh giá, nhu cầu nhân lực logistics Việt Nam hiện rất lớn, song về chất lượng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
NHÂN LỰC CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC HẦU HẾT CÁC KỸ NĂNG CƠ BẢN
Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho biết kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt, đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nhóm nhiệm vụ giải pháp “Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực”, với các nhiệm vụ cụ thể.
Có thể được kể đến là đẩy mạnh đào tạo logistics ở bậc đại học và đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo logistics, kết nối các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp logistics trong nước và quốc tế, và hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh về logistics.
Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Dự báo kỹ năng nghề logistics 2021 – 2023 của Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề logistics đã khảo sát và cho thấy, lực lượng nhân lực logistics nước ta chưa đáp ứng được hầu hết các nhu cầu như: Kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng sử dụng các phần mềm logistcs, kiến thức và kỹ năng về quản trị thu mua, quản trị vận tải, quản trị kho hàng…
Cũng theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghiệp Việt Nam, có từ 60% - 80% các doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực logistics, bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý chỉ ở mức trung bình thấp.
Một báo cáo năm 2019 của tổ chức Australian Aid cũng chỉ ra rằng, mặc dù các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm và sẵn lòng chi trả nhiều hơn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn.
Trong đó, 37,1% doanh nghiệp tập trung vào việc tự đào tạo, 29,9% doanh nghiệp cử nhân viên đào tạo ngắn hạn dưới 4 tuần, 3,1% doanh nghiệp cử nhân viên đi học thạc sỹ trong nước và chỉ có 1% cử nhân viên đi học nước ngoài.
“Kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics Việt Nam cũng cho thấy sự chênh lệch rõ rệt so với nhu cầu của người sử dụng nhân lực từ cả các doanh nghiệp logistics và công ty sản xuất”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đánh giá.
Dự báo kỹ năng nghề logistics 2021 – 2023 của Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề logistics đã khảo sát và cho thấy, lực lượng nhân lực logistics nước ta chưa đáp ứng được hầu hết các nhu cầu như: Kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng sử dụng các phần mềm logistcs, kiến thức và kỹ năng về quản trị thu mua, quản trị vận tải, quản trị kho hàng…
Bên cạnh đó, người lao động trong lĩnh vực logistics trong nước cũng rất cần được đào tạo và nâng cao về tính sáng tạo, khả năng thích nghi và giải quyết vấn đề, khả nặng lập kế hoạch cũng như tư duy tích cực trong công việc.
NĂM GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NHÂN LỰC LOGISTICS
Trước những bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo thành viên trong việc tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về chuyển đổi số và logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tích hợp các nội dung, hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực cho sinh viên về logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh, chuyển đổi số.
Hiện các đơn vị đào tạo cung cấp nguồn nhân lực logistics ở cả bậc đại học và đào tạo nghề đều đang khá hạn chế về cơ sở vật chất thực hành kỹ năng cũng như đội ngũ giảng viên trình độ cao trực tiếp giảng dạy.
Cùng với đó, cần phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng các bộ chuẩn chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn nghề nghiệp đối với các vị trí công việc trong ngành. Trong đó, hướng tới nhân lực có đủ kiến thức, năng lực và thái độ đáp ứng yêu cầu của ngành trong điều kiện mới. Xây dựng các khóa học chuyên sâu, bổ sung, cập nhật cho các đối tượng theo nhiệm vụ cụ thể để triển khai quản trị nhân lực xanh gắn với logisics và quản trị chuỗi cung ứng xanh.
Giải pháp nữa là tăng cường phối hợp, chia sẻ nguồn lực về cơ sở vật chất, giáo trình tài liệu và chuyên gia. Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Đức, hiện các đơn vị đào tạo cung cấp nguồn nhân lực logistics ở cả bậc đại học và đào tạo nghề đều đang khá hạn chế về cơ sở vật chất thực hành kỹ năng cũng như đội ngũ giảng viên trình độ cao trực tiếp giảng dạy.
“Khảo sát của Hiệp hội cho thấy, đa số các đơn vị đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng các phần mềm, hệ thống mô phỏng, giả lập và chỉ có một số ít, được đầu tư theo các nguồn kinh phí quốc tế mới có thể tổ chức các hoạt động thực hành gần với thực tiễn. Do đó, sự kết nối và chia sẻ nguồn lực dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, mang lại giá trị cho tất cả các bên tham gia và người học”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam dẫn chứng.
Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội để gắn hoạt động đào tạo, thực hành, thực tập, tuyển dụng với thực tiễn một cách thực chất, tăng cường vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp với hoạt động phát triển toàn diện nguồn nhân lực.
Cuối cùng, cần tăng cường kết nối quốc tế để trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm đào tạo, tiếp cận nguồn lực chuyên gia từ các quốc gia tiên tiến, các nguồn tài trợ phát triển cơ sở vật chất, nguồn học bổng phát triển nhân lực giảng viên, các cơ hội chuyển giao công nghệ và các hợp tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhanh các bài toán thực tiễn đặt ra.