Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký văn bản trả lời Bộ Công Thương về chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối Nhà máy điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam.
Cụ thể, văn bản nêu rõ chấp thuận đề nghị của Bộ Công Thương về việc phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Dự án Nhà máy điện gió Trường Sơn tại Lào và chủ trương đầu tư lưới điện đầu nối, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch điện 8 và quy định liên quan.
Theo đó, Hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán, ký với chủ đầu tư dự án điện gió Trường Sơn. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu hợp đồng này phải đầy đủ cơ sở pháp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế, chi phí mua điện hợp lý; đồng thời xác định rõ trách nhiệm các bên và tiêu chí kỹ thuật.
Trước đó, trình Thủ tướng chủ trương mua điện từ dự án này, Bộ Công Thương cho biết giá điện nhập khẩu sẽ do EVN thỏa thuận với chủ đầu tư đảm bảo không vượt mức trần 6,95 cent/kWh.
Để đảm bảo tiến độ bán điện cho Việt Nam vào quý 4/2025, chủ đầu tư sẽ làm toàn bộ công trình lưới điện đấu nối từ nhà máy trên đoạn lãnh thổ Việt Nam. Việc này sẽ giúp EVN giảm một phần chi phí đầu tư.
Dự án điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Lào dự kiến vận hành quý 4/2025. Dự án này dự kiến được đấu nối vào trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An) để dẫn điện về Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đánh giá nhập nguồn điện từ Lào về Việt Nam là cần thiết, tăng khả năng đảm bảo cung ứng, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, mua điện dự án Trường Sơn tại Lào là phù hợp theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam - Lào và theo quy hoạch điện 8.
Theo Hiệp định liên Chính phủ, Việt Nam sẽ mua khoảng 3.000 MW điện từ Lào đến 2025, nhưng tổng công suất mua thực tế có thể thấp hơn mức này, chỉ đạt 1.977 MW. Dù vậy, Quy hoạch điện 8 vẫn đặt ra nhập khẩu điện từ Lào có thể lên tới 5.000 - 8.000 MW vào năm 2030, tăng lên 11.000 MW vào năm 2050.
Ngoài Lào, Việt Nam còn mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV. Tổng tỷ trọng nhập khẩu điện (từ Lào, Trung Quốc) hiện chiếm khoảng 1,6% sản lượng toàn hệ thống, tính tới hết tháng 4, tương đương 1,56 tỷ kWh.
Tại cuộc họp trước đó, để tăng mua điện từ Lào, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu EVN đẩy tiến độ đường dây 500kv từ Mô Sun đến Thạch Mỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và đường dây 220kv từ Nậm Sum đến Nông Cống.
Theo thống kê của EVN, lũy kế cả quý 1/2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 61,83 tỷ kWh - giảm 1,6% so với cùng kỳ.
Trong số các loại hình nguồn điện của hệ thống, nhiệt điện than huy động đạt tỷ lệ cao nhất, 28,03 tỷ kWh, chiếm 45,3%; thủy điện đạt 15,38 tỷ kWh, chiếm 24,9%; năng lượng tái tạo đạt 10,22 tỷ kWh, chiếm 16,5% (trong đó điện mặt trời đạt 6,45 tỷ kWh, điện gió đạt 3,47 tỷ kWh); tua bin khí đạt 7,14 tỷ kWh, chiếm 11,6%. Điện nhập khẩu đạt 953 triệu kWh, chiếm 1,5%.