Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) vừa tổ chức Tổng kết hoạt động cung cấp dịch vụ quỹ năm 2023.
Báo cáo cho thấy, tính đến hết tháng 9 năm 2023, có 105 quỹ đầu tư chứng khoán được cấp phép đang hoạt động trên thị trường với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt gần 72 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2022. Như vậy tính đến thời điểm hết tháng 9/2023, Tổng số lượng quỹ đầu tư chứng khoán đã tăng 8 quỹ so với thời điểm cuối năm 2022, tăng gần gấp đôi số lượng so với thời điểm cuối năm 2020, và đa số là các quỹ đại chúng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ông Lương Hải Sinh đánh giá cao kết quả đạt được của hoạt động quản lý quỹ năm 2023 và ghi nhận những nỗ lực của các công ty quản lý quỹ, VSDC và các tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý quỹ (đại lý chuyển nhượng, giám sát, quản trị quỹ, phân phối chứng chỉ quỹ) trong thời gian vừa qua.
Trong đó, VSDC giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, bảo mật dữ liệu sở hữu chứng khoán, đảm bảo xử lý thông suốt và liên tục hoạt động bù trừ và thanh toán cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, với tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với GDP, số lượng nhà đầu tư tham gia mới chiếm 250 nghìn nhà đầu tư, chiếm 0,25% dân số, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… nên ngành quỹ vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ông Lương Hải Sinh nhấn mạnh, trong thời gian sắp tới, Uỷ ban Chứng khoán sẽ tập trung thực hiện các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trên nền tảng bốn trụ cột: một là phát triển hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán.
Hai là, xây dựng thị trường giao dịch công bằng, công khai, minh bạch, hướng tới phát triển bền vững.
Ba là, phát triển các tổ chức trung gian, tổ chức kinh doanh chứng khoán ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, quản trị công ty tốt, theo thông lệ quốc tế; và bốn là, phát triển cơ sở nhà đầu tư đa dạng, trong đó, chú trọng phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường để tăng độ sâu cho thị trường.
Đặc biệt, từ nay đến năm 2025, Uỷ ban Chứng khoán sẽ nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan và các tổ chức quốc tế để nâng hạng thị trường chứng khoán, thu hút hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục vụ phát triển kinh tế.
Song song với các chính sách phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành quỹ; tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về ngành quỹ, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam.
Cụ thể: Nghiên cứu để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán; ứng dụng chuyển đổi số vào ngành quỹ; đa dạng hóa kênh phân phối chứng chỉ quỹ theo thông lệ; đồng thời kiểm soát, quản trị rủi ro hoạt động quản lý quỹ trong thời kỳ mới – thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cuộc cách công nghệ thông tin.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm quỹ đầu tư và các dịch vụ quản lý quỹ; tăng cường công tác quản lý, giám sát nhằm tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán nói chung, ngành quỹ nói riêng.
Thực hiện dài hạn định hướng phát triển một nền tài chính xanh, thúc đẩy đầu tư vốn vào các sản phẩm xanh, gần với các tiêu chuẩn về Môi trường – Xã hội – Quản trị (bộ tiêu chí ESG) quốc tế.