November 28, 2024 | 18:48 GMT+7

Phó Thủ tướng bác bỏ bổ sung nhiều loại chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Ánh Tuyết -

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung nhiều loại chi phí được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp song trong phiên giải trình và làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc không đồng thuận...

Các đại biểu quan tâm nhiều về chi phí được trừ, chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Các đại biểu quan tâm nhiều về chi phí được trừ, chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện nay thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Theo ông, mỗi năm bội chi khoảng 400 nghìn tỷ, sắp tới cả nước xây dựng các công trình hạ tầng trọng yếu, rõ ràng bội chi ngân sách và nợ công sẽ tăng lên. "Xu thế của thế giới hiện nay đang thắt chặt chính sách tài khóa, tăng thuế suất để đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công", ông Phớc nói.

THUẾ SUẤT Ở MỨC THẤP, VIỆT NAM VẪN MỞ RỘNG CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ ĐỂ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Ở Việt Nam, theo Phó Thủ tướng, mới trải qua đại dịch nên cần ủng hộ và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nên vẫn thực hiện chính sách tài khóa mở rộng.

So sánh với một số quốc gia Đông Nam Á, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Chúng ta không thể so với Singapore vì diện tích đảo quốc này nhỏ chỉ 670km2 nhưng bình quân thu nhập quốc dân 90.000 USD/người, trong khi Việt Nam trên 4.000 USD/người. Với Philipines, thuế thu nhập doanh nghiệp là 30%; Malaysia là 24% và các quốc gia khác cũng khoảng 25%.

"Cần triển khai chính sách thuế để đảm bảo sự công bằng, hợp lý và phát triển, còn những lĩnh vực ưu tiên phát triển cần phải hỗ trợ từ ngân sách, phải giám sát có hiệu quả, tránh chuyện mở ra mất kiểm soát", Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh đề nghị cân nhắc giảm mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp phổ thông. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh đề nghị cân nhắc giảm mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp phổ thông. Ảnh: Quochoi.vn.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, cho rằng mức thuế thu nhập doanh nghiệp dù có thêm chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng mức thuế suất chung là 20% vẫn cao.

"Khi so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam 20% bằng với mức thuế suất đang áp dụng tại Thái Lan, tại Lào, Campuchia nhưng lại cao hơn so với Singapore là 17% và Brunei là 18,5%", bà Lệ dẫn chứng.

Do đó, để khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, đại biểu TP. Hồ Chí Minh cho rằng nên cân nhắc giảm thêm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông xuống khoảng 19% để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển phục hồi sau giai đoạn hậu dịch Covid-19. 

Về mức ưu đãi thuế suất với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi áp thuế suất 15% với doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 17% đối với doanh thu dưới 50 tỷ đồng, Phó Thủ tướng mong Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ điều chỉnh khi có sự biến động. Hiện quy định doanh thu 3 tỷ được hưởng ưu đãi thuế suất nhưng nếu có biến động, trượt giá hoặc các vấn đề khác, Chính phủ có thể nâng lên 5 tỷ hoặc 10 tỷ đồng.

Theo ông Phớc, sở dĩ phải quy định như vậy là bởi mức doanh thu này sát với hoạt động phát sinh của doanh nghiệp và đã có trong dữ liệu của cơ quan thuế và dữ liệu dân cư. Mức thuế suất ưu đãi này nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Cùng với đó, đợt sửa thuế lần này căn cứ vào Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân để ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 17% với doanh nghiệp có doanh thu 3-50 tỷ đồng.

KHÔNG HỢP LÝ KHI BỔ SUNG NHIỀU LOẠI CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ

Làm rõ ý kiến của đại biểu về xem xét bổ sung chi phí được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp với chi phí giải phóng mặt bằng do đây là một khoản chi phí rất lớn đẩy giá vốn bất động sản lên cao, Phó Thủ tướng cho rằng điều này không hợp lý và không đúng đắn, bởi vì, doanh nghiệp tự đền bù giải phóng mặt bằng và phần doanh thu đó thuộc về doanh nghiệp. 

Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư các dự án mới nhưng doanh nghiệp gặp rủi ro do khách quan dẫn đến không có doanh thu. Nếu không cho phép tính chi phí được trừ trong trường hợp này sẽ khiến các doanh nghiệp ngần ngại khi mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án mới có rủi ro cao, các dự án đầu tư mạo hiểm, mô hình kinh doanh mới, các hoạt động đổi mới sáng tạo, trong khi đây lại là những động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Về vấn đề này, theo ông Phớc, tình huống doanh nghiệp đầu tư do cân nhắc không kỹ lưỡng hoặc do những vấn đề khác dẫn đến bị thua lỗ cũng không hợp lý. Mỗi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hành vi cũng như kết quả kinh doanh của mình.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Về thuế với đơn vị sự nghiệp và cơ quan báo chí, theo Phó Thủ tướng, đơn vị sự nghiệp có 3 loại hình, đó là đơn vị sự nghiệp do Nhà nước cấp kinh phí toàn bộ; tự chủ chi thường xuyên và tự chủ toàn diện. Loại hình thứ ba khi có doanh thu thì rõ ràng phải nộp thuế. Dịch vụ công trên địa bàn đặc biệt khó khăn được giảm 5% thuế, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước cũng không phải tính thuế... Vấn đề này đã được Chính phủ quy định cụ thể.

Đối với cơ quan báo chí, đối với báo in và các loại báo khác sẽ chịu mức thuế 10% nếu Quốc hội đồng ý, Chính phủ sẽ đề xuất như vậy để hỗ trợ các cơ quan báo chí. Ngoài ra, để hỗ trợ cơ quan báo chí hiện nay cũng có nhiều hình thức như đặt hàng, quảng cáo. Đối với các cơ quan báo chí chưa tự chủ thì Nhà nước vẫn cấp kinh phí.

Về chính sách đối với phần đầu tư mở rộng của các hoạt động đầu tư được hưởng ưu đãi, cần lưu ý tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc mở rộng để hưởng lợi chính sách.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã xử lý một doanh nghiệp FDI, họ kiện 4 năm nay và Bộ phải thành lập đoàn kiểm tra làm lại hồ sơ và truy thu 1.200 tỷ đồng. Khi đăng ký, doanh nghiệp làm 100ha nhưng sau đó mở rộng 300ha thì chỉ được hưởng ưu đãi theo đăng ký. Còn nếu không, doanh nghiệp mở rộng cả nghìn hecta và được hưởng chính sách của những năm cũ, rõ ràng sẽ có sự lợi dụng và sẽ bất bình đẳng với những người được cấp giấy phép mới.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.

Các đại biểu tham gia các ý kiến và phân tích, làm rõ một số nội dung về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, xác định thu nhập chịu thuế, chi phí được trừ, chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...

Trong đó lưu ý những vấn đề liên quan đến tổ chức và cá nhân nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số không có thường trú tại Việt Nam; thuế đối với cơ quan báo chí, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các quỹ tài chính ngoài ngân sách, doanh nghiệp khởi nghiệp và một số lĩnh vực khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định theo chương trình xây dựng pháp luật.

 

"Những chi phí được trừ nhưng không hợp pháp và không hợp lệ đương nhiên không được trừ, như vậy mới minh bạch, chẳng hạn như chi phí phục vụ cá nhân trong doanh nghiệp mà không liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp hay các chi phí không liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ đó, đương nhiên không được tính.

"Trả lương, trả công trái với Luật Lao động, đương nhiên không được tính, hay các chi phí khống bằng các hóa đơn khống, hồ sơ khống, đương nhiên không những không được trừ mà còn phải bị xử lý. Việc tính đúng, chính xác chi phí hợp lý, hợp pháp theo đúng quy định của luật chuyên ngành và phù hợp với chính sách quản lý từ trước đến nay",.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate