July 14, 2021 | 20:10 GMT+7

Phó Thủ tướng: TP.HCM cần siết lại phòng, chống dịch

Phúc Minh -

Tại cuộc giao ban trực tuyến với TP.HCM, chiều 14/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 lưu ý: TP.HCM cần siết lại từng khâu trong tổ chức phòng, chống dịch, công tác xét nghiệm phải được rà soát lại tất cả những gì còn bất cập…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM chiều 14/7. Ảnh - VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM chiều 14/7. Ảnh - VGP.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ 6h ngày 13/7 đến 6h ngày 14/7, Thành phố ghi nhận 2.144 ca mắc Covid-19, phần lớn ở các khu cách ly, phong tỏa; 170 ca tầm soát trong cộng đồng.

CÒN TÌNH TRẠNG GIAO LƯU CÁC GIA ĐÌNH, DẪN ĐẾN LÂY NHIỄM CHÉO

Hiện thành phố tập trung lấy mẫu xét nghiệm ở những khu vực có nguy cơ cao, tính toán số mẫu xét nghiệm và trả kết quả theo đúng thời hạn (12 giờ với mẫu đơn, 24 giờ đối với mẫu gộp). Đối với những khu được phong tỏa, thành phố tăng cường giám sát của Tổ Covid-19 cộng đồng, bởi hiện còn tình trạng giao lưu các gia đình dẫn đến lây nhiễm chéo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, TP.HCM cơ bản đã chuyển hướng đúng, nhưng cần siết lại từng khâu phòng, chống dịch. Công tác xét nghiệm cũng cần được rà soát lại tất cả những gì còn bất cập. Đến nay cơ bản kết quả xét nghiệm được trả trong vòng 24 giờ.

TP.HCM cần tiếp tục đưa công cụ công nghệ để khớp nối kết quả xét nghiệm và thông tin người lấy mẫu, phân tích dịch tễ để phục vụ cho điều tra dịch tễ, chỉ điểm những khu vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung truy vết, lấy mẫu.

Bên cạnh đó, dù thành phố đã cơ bản lập lại công tác quản lý ở các khu dân cư, nhưng cần tiếp tục chấn chỉnh, thực hiện nghiêm, cố gắng tổ chức lại đời sống sinh hoạt, phân phối hàng hoá, không để ai bị thiếu thốn, dứt bữa.

Theo Phó Thủ tướng, thành phố đã cải tiến và bỏ những quy định để người dân lưu thông thuận lợi, giải quyết tình trạng ách tắc. Tuy nhiên, để giải quyết căn bản tình trạng này, đề nghị TP.HCM cần liên thông hệ thống mã QR của thành phố và hệ thống đang triển khai trên cả nước.

Việc này để thống nhất mỗi người dân có 1 mã QR tích hợp kết quả xét nghiệm, khai báo y tế điện tử để quét mã khi đến các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, di chuyển qua các chốt kiểm soát, cũng như phục vụ công tác truy vết.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, việc liên thông hệ thống mã QR của TP.HCM và hệ thống đang triển khai trên cả nước sẽ hoàn thành trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, TP.HCM cần đạt tối thiểu 100.000 điểm kinh doanh, dịch vụ phát sinh hoạt động quét mã QR của người dân hằng ngày từ mức 12.000 điểm hiện nay.

LÊN PHƯƠNG ÁN CHO DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT TỪNG PHẦN

Sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm trong các doanh nghiệp mà công nhân ở rải rác tại các quận, huyện, lãnh đạo TP.HCM cho biết, đã thảo luận với hiệp hội daonh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, lãnh đạo địa phương để áp dụng phương án cho phép các doanh nghiệp thực hiện theo hai phương thức.

Thứ nhất là “ba tại chỗ” (ăn nghỉ tại chỗ, sản xuất tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ trong khuôn viên sản xuất nhưng cũng phải bảo đảm an toàn).

Thứ hai là “hai điểm, một con đường”. Tức là nếu nơi sản xuất không có chỗ bố trí ăn nghỉ thì phải bố trí bên ngoài và phải bảo đảm an toàn phòng dịch, tổ chức xe đưa đón tập trung từ nơi nghỉ đến nơi sản xuất. Nếu các doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện an toàn và thoả mãn một trong hai phương thức, cùng với nhu cầu tiếp tục sản xuất thì cơ quan chức năng sẽ chuẩn bị để doanh nghiệp được sản xuất. Nếu không đảm bảo thì doanh nghiệp phải ngừng.

Phó Thủ tướng lưu ý, ngoài những doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “hai điểm, một con đường”, thành phố cần nghiên cứu, xem xét các phương án cho doanh nghiệp sản xuất trở lại từng phần căn cứ trên diễn biến dịch bệnh.

Với công tác thông tin, truyền thông về tình hình dịch bệnh của TP.HCM, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: không chỉ thông báo số ca mắc mà phải phân tích đầy đủ nguyên nhân, xu hướng các ổ dịch để người dân thêm lòng tin vào những giải pháp đang thực hiện cũng như những gì mỗi người cần làm để giữ được kết quả chống dịch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate