Đại dịch Covid-19 cùng với những rào cản và định kiến sẵn có khiến nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ hay các nhà sáng lập nữ phải đối diện với không ít thách thức. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay đang khích lệ thêm nhiều phụ nữ Việt theo đuổi đam mê và dấn thân vào con đường startup.
CÁC NHÀ SÁNG LẬP NỮ KIÊN CƯỜNG VƯỢT QUA THÁCH THỨC
"Làn sóng Covid-19 hơn hai năm qua kể từ khi xuất hiện đã khiến cả thế giới chao đảo, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, tạo nên một cơn suy thoái mới mà theo các chuyên gia kinh tế, phải mất thời gian khá lâu để có thể hồi phục.
Và cũng từ đây, hành vi tiêu dùng của con người trong một số lĩnh vực đã thay đổi, có thể thay đổi vĩnh viễn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp là các tập đoàn lớn… Doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo cũng không nằm ngoài vòng xoáy suy thoái và khủng hoảng này.
Nếu chúng ta không nhanh chóng linh hoạt thiết kế mô hình kinh doanh và tư duy marketing theo hướng “bình thường mới”, hoặc điều chỉnh các dòng sản phẩm dịch vụ, cắt bỏ các sản phẩm, dịch vụ không còn phù hợp, thay thế bằng những sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp, thức thời hơn với một mô hình sáng tạo, tạo ra hành vi tiêu dùng hoàn toàn mới, thì nguy cơ phá sản là rất lớn.
Phụ nữ nhìn chung có thế mạnh trong linh hoạt xử lý vấn đề, có khả năng chịu đựng được áp lực và chống đỡ khủng hoảng, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam, rất kiên cường nhưng cũng rất mềm mỏng.
Bên cạnh đó các quỹ đầu tư thường cũng có sự quan tâm dành cho các doanh chủ là nữ giới, đặc biệt có những quỹ chỉ hỗ trợ các startup nữ giới hoặc có nữ giới tham gia điều hành mà tôi đã và đang hợp tác. Và dĩ nhiên dự án của họ phải thật sự đặc biệt, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư đồng ý rót vốn kể cả giai đoạn rất sớm.
Tôi có niềm tin mãnh liệt với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, khi mà Chính phủ Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ trên thế giới đã và đang có những động thái, chính sách hỗ trợ rất mạnh mẽ cho các chương trình khởi nghiệp đối mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam như hiện nay. Tôi nghĩ trong tương lai sẽ càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau làn sóng Covid-19.
Các tổ chức phi chính phủ như UNESCO cũng có những chương trình hỗ trợ đặc biệt như “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho nữ giới trong nghiên cứu và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; hoặc USAID với chương trình “Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ” trong xã hội, đặc biệt chú trọng đến việc giúp phụ nữ phát triển tiềm năng lãnh đạo và ra quyết định.
Bên cạnh đó, rất nhiều quỹ đầu tư, đối tác kinh doanh rất quan tâm đến các doanh nghiệp, các dự án mà nữ giới là lãnh đạo và điều hành. Cụ thể, Quỹ đầu tư thiên thần EPIC chỉ chuyên đầu tư vào các dự án khởi nghiệp có lãnh đạo là nữ giới, hoặc WISE là tổ chức chuyên ươm tạo, cố vấn và hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp do nữ giới lãnh đạo và điều hành.
Đây có thể là những điều kiện thuận lợi để các bạn nữ mạnh mẽ hơn trong phát triển dự án khởi nghiệp của mình hoặc mạnh mẽ chuyển đổi mô hình, chuyển đổi số trong doanh nghiệp".
MONG SẼ CÓ THÊM NHIỀU CLB KHỞI NGHIỆP CHO NỮ GIỚI
"Trong những năm qua, với cách làm sáng tạo, tinh thần quốc gia khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề tham gia, từ đó khẳng định sự đam mê, khát khao đổi mới sáng tạo của phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm cả thế giới phát triển chững lại, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người lao động không có việc làm. Các doanh nghiệp do phụ nữ khởi nghiệp, lãnh đạo, làm chủ cũng bị ảnh hưởng.
Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những thách thức đối với các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp tại Việt Nam là vô cùng lớn.
Các thách thức đặt ra cho các lãnh đạo doanh nghiệp là nữ giới trong bối cảnh Covid-19 đó là thay đổi để thích ứng và đổi mới sáng tạo tìm hướng đi mới. Thay đổi từ cách thức vận hành doanh nghiệp từ trực tiếp sang trực tuyến, cách sử dụng dòng vốn hạn hẹp mà hiệu quả, phát triển chiến lược marketing trên các nền tảng số và khai thác thương mại điện tử để đảm bảo yếu tố “không chạm” mà vẫn duy trì hiệu ứng tốt từ thị trường, thay đổi phương thức phục vụ khách hàng, sáng tạo để đưa ra sản phẩm và dịch vụ mới phù ứng các thay đổi xã hội và hành vi của con người trong bối cảnh đại dịch Covid.
Phụ nữ lãnh đạo có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt, bền bỉ nên đã có nhiều cơ hội biến “nguy” thành “cơ” với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn những lãnh đạo là nữ giới để dẫn dắt doanh nghiệp, hay tạo ra các sản phẩm mới để giúp doanh nghiệp vượt qua thời khắc khó khăn, tận dụng công nghệ để đem lại sự hài lòng hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, phụ nữ nhạy cảm, tình cảm hơn trong kinh doanh nên sẽ “đắc nhân tâm” tốt hơn trong một số ngành nghề như dịch vụ, giáo dục…
Tôi mong rằng trong tương lai gần, với sự quan tâm nhiều hơn từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ hình thành thêm những câu lạc bộ khởi nghiệp dành riêng cho nữ giới. Ở đó nhiều hoạt động chia sẻ từ các nữ doanh nhân thành đạt, các nữ cố vấn khởi nghiệp sẽ khích lệ các bạn nữ tự tin vượt qua các rào cản tâm lý, khó khăn trong lập nghiệp, xây dựng hệ sinh thái, tiếp cận các dòng vốn... Các địa phương, các trường đại học sẽ tổ chức cuộc thi khởi nghiệp dành riêng cho các bạn nữ khởi nghiệp, tạo cơ hội cho các nhà sáng lập nữ tỏa sáng và chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa giá trị".
PHÁ BỎ NHỮNG RÀO CẢN TRÊN HÀNH TRÌNH STARTUP VỚI PHỤ NỮ
"Theo báo cáo mới nhất của Deal Street Asia về Woman in Startup, thống kê các startup trong khu vực Đông Nam Á, với startup chỉ có duy nhất nữ giới sáng lập chỉ gọi được 0,9% trong tổng số vốn đã gọi trong năm 2020.
Còn với thị trường Việt Nam nói riêng, theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính tới cuối tháng 9/2019, tại Việt Nam có hơn 285.700 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành, chỉ chiếm khoảng 24% tổng số các doanh nghiệp trên khắp cả nước. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Phụ nữ khởi nghiệp cần sự hỗ trợ từ cả xã hội, Chính phủ và gia đình người thân. Tôi nhận thấy một điều tuyệt vời là hơn bao giờ hết, Chính phủ đang rất nỗ lực hỗ trợ phụ nữ Việt tham gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, phụ nữ cần nhiều sự ủng hộ hơn thế nữa, đó là sự ủng hộ đến từ người thân gia đình. Khởi nghiệp sẽ là những hành trình dễ đi vào đơn độc, ngõ cụt, bế tắc, dẫn đến sự từ bỏ. Nên thực sự không có gì tuyệt vời và ấm áp hơn khi người phụ nữ có thể nhận được sự cổ vũ từ gia đình, người thân yêu giúp họ có thêm nhiều sức mạnh tinh thần với startup của mình.
Phụ nữ khởi nghiệp cần có “team” với những sức mạnh bổ sung. Làm startup nói chung, dù nhà sáng lập là nam giới hay nữ giới, thì họ cũng đều cần đồng đội mạnh cùng đi với mình và cũng đều gặp khó khăn chung trong việc đi thu hút nhân tài tham gia đội ngũ. Nhưng đặc biệt với phụ nữ, họ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, do những rào cản hạn chế họ như đã kể trên. Khi mà những định kiến xã hội, rào cản gia nhập vào các hoạt động của nam giới, và thiên vị giới tính vẫn hiện hữu, thì phụ nữ sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần để có thể thu phục nhân tài.
Để phụ nữ khởi nghiệp cần thêm những tấm gương phụ nữ khởi nghiệp thành công. Những tấm gương có vai trò vô cùng to lớn trong việc thay đổi những định kiến xã hội, rào cản gia nhập và những thiên vị giới tính, qua đó củng cố thêm niềm tin và động lực vào việc tham gia khởi nghiệp của nữ giới".