July 08, 2024 | 07:00 GMT+7

Quản trị thủy lợi, đảm bảo an ninh nguồn nước

Chu Khôi -

Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tư duy mới về thủy lợi của Việt Nam là chuyển từ chiến lược chống hạn, sang chủ động kiểm soát nguồn nước, thực hành triết lý “lấy nước làm trung tâm”. Giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước không chỉ ở khối lượng nước, mà cả về chất lượng nước, hiệu quả sử dụng nước, năng suất nước, hạn chế thủy hại…

Hệ thống thủy lợi có 7.342 hồ, đập
Hệ thống thủy lợi có 7.342 hồ, đập

Xin ông khái quát vài nét về hệ thống thủy lợi Việt Nam?

Thủy lợi có một vị trí quan trọng đối với kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia. Trong suốt 79 năm qua, ngành thủy lợi đã có nhiều đóng góp to lớn vào việc bảo vệ, cải tạo môi trường, góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngân hàng Thế giới (Word Bank) nhiều lần đánh giá: “Việt Nam là quốc gia có hạ tầng thủy lợi nhiều và tốt bậc nhất thế giới”. Hệ thống thủy lợi của Việt Nam hiện có 290.000 trạm bơm lớn nhỏ khác nhau, 170.000 công trình kênh mương có tổng chiều dài hàng triệu km. Cùng với đó, nước ta hiện có 7.342 đập, hồ thủy lợi. Cả nước đã xây dựng trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200ha trở lên, trong đó 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ trên 2.000ha. Hệ thống thủy lợi không chỉ đem nước đến cho người dân, phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn là không gian sống của người dân; cảnh quan và kiến trúc nông thôn.

Quản trị thủy lợi, đảm bảo an ninh nguồn nước - Ảnh 1

Ngành thủy lợi có những giải pháp nào để đảm bảo an ninh nguồn nước, thưa ông?

Cả nước ước tính có 800 dòng chảy (sông), trong đó 62,8% từ nước ngoài chảy vào. Với tốc độ phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn, không chỉ cho phát triển nông nghiệp, mà còn đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất thủy điện, sản xuất công nghiệp ngày càng tăng. Trong khi đó, các quốc gia ở thượng nguồn các con sông lớn như sông Mekong, sông Hồng, sông Mã… xây nhiều đập thủy điện, khiến nguồn nước chảy vào Việt Nam suy giảm. Tới đây, Campuchia đào kênh dẫn nước từ sông Mekong ra biển, dự báo sẽ càng khiến lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm hơn nữa.

 

"Việt Nam không còn dư thừa nước, mà đã trở thành quốc gia thiếu nước. Do đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1595/QĐ/TTg: Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước"".

Đối với Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi nhìn nhận vấn đề an ninh nguồn nước không chỉ ở khối lượng nước, mà cả về chất lượng nước, hiệu quả sử dụng nước, năng suất nước, hạn chế thủy hại…

Tư duy mới về thủy lợi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra là chuyển từ chiến lược chống hạn, sang chủ động kiểm soát nguồn nước, thực hành triết lý “lấy nước làm trung tâm”. Vì vậy, cần thực hiện nhiều giải pháp.

Thứ nhất: hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.

Thứ hai, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.

Thứ ba, nâng cao công tác quy hoạch, điều tra, dự báo nguồn nước.

Thứ tư, nâng cao năng lực tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh.

Thứ năm, chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp, thay đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với tình trạng thiếu nước.

Mùa mưa lũ đang đến rất gần, trong khi tình trạng mất an toàn hồ đập “nổi cộm” đã nhiều năm nay. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Hiện cả nước có trên 7.300 hồ chứa, trong đó có 13 hồ chứa lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý và luôn đảm bảo vấn đề an toàn. Đối với các hồ chứa có quy mô vừa, có khoảng hơn 3.000 hồ, giao cho các đơn vị có chuyên môn quản lý để đảm bảo an toàn. Còn lại khoảng 4.300 hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý, chủ yếu giao cho các hợp tác xã, các tổ chức quản lý và vận hành. Đây là những hồ chứa có nguy cơ mất an toàn rất lớn. Trong đó, Cục Thủy lợi thống kê hiện có 330 hồ chứa không an toàn ở mức độ đáng báo động.

 

"Cục Thủy lợi thống kê hiện có 330 hồ chứa không an toàn ở mức độ đáng báo động".

Ở góc độ quản lý, chúng ta có Nghị định 114/2018/NĐ của Chính phủ về quản lý an toàn đập hồ chứa nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên ban hành các chỉ thị về kiểm tra, kiểm soát độ an toàn của các hồ chứa trong mùa mưa lũ, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ giao cho các hợp tác xã quản lý. Cục Thủy lợi đã có những hướng dẫn về đảm bảo an toàn hồ chứa và thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn xử lý những sự cố.

Trước mùa mưa lũ năm 2024, chúng tôi cũng đã có báo cáo và tham mưu cho Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi, trong đó có các hồ chứa nước. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đi kiểm tra đôn đốc các địa phương tăng cường quản lý các hồ chứa, đặc biệt kiểm tra các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ năm nay.

Hiện nay, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Chúng ta đã có những giải pháp nào để đối phó với tình trạng này?

Trong những năm gần đây, tình trạng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày càng trầm trọng, đặc biệt giai đoạn 2014-2016; giai đoạn 2020 – 2024. Mùa khô năm 2024, theo số liệu thực đo lưu lượng trung bình tháng tại hai trạm đầu nguồn sông Cửu Long là trạm Tân Châu trên sông Tiền và trạm Châu Đốc trên sông Hậu cho thấy, so với giai đoạn trước năm 2012 (hồ chứa thượng nguồn chưa được xây dựng nhiều), dòng chảy đầu mùa khô giảm từ 5-12%, từ giữa đến cuối mùa khô tăng từ 22-50%, tình trạng xâm nhập mặn tại các vùng cửa sông, ven biển có thay đổi lớn về quy luật...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2024, phát hành ngày 01/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Quản trị thủy lợi, đảm bảo an ninh nguồn nước - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate