Thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, tỉnh Quảng Nam đã giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045 trên địa bàn huyện Nam Trà My.
Mục tiêu chung của Chương trình là tỉnh Quảng Nam xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, sớm ổn định và phát triển kinh tế trong nhân dân theo hướng hàng hóa tập trung có quy mô, quy hoạch và phát triển thành vùng cung cấp nguyên liệu ổn định; đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ lực để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My; đồng thời bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, tiến tới bảo vệ cả một khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh.
Mục tiêu cụ thể: Giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện việc bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; đầu tư phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 8.400 ha vào năm 2030, với 100% diện tích trồng sâm Ngọc Linh được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 75 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 250ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP, WHO (thực hành tốt nuôi trồng và chế biến).
Cùng với đó, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP, WHO; xây dựng Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nam Trà My.
Định hướng đến năm 2045, tỉnh Quảng Nam phát triển sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh xuất khẩu sâm lớn ra thế giới.
Để triển khai Chương trình, từ nay đến năm 2045, tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư 1.800 tỷ; trong đó 100 tỷ đồng đồng cho công tác nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống Sâm Ngọc Linh; 300 tỷ đồng cho Phát triển vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh tập trung; 250 tỷ đồng để thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm Sâm Ngọc Linh bền vững theo chuỗi giá trị; 150 tỷ đồng để xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại, du lịch cộng đồng kết hợp giới thiệu về văn hóa truyền thống canh tác và sử dụng Sâm Việt Nam; 1.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm Ngọc Linh gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.
Trao đổi với VnEconomy về việc triển khai Chương trình sâm Ngọc Linh, ông Hồ Quảng Bửu Phó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh này đang có tham vọng biến vùng rừng núi Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My trở thành thủ phủ của sâm Quốc gia. Quảng Nam đã đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển nguồn sâm giống và sâm thương phẩm để tiến tới đầu tư chế biến sâu loại dược liệu quý hiếm này thành các sản phẩm ngành dược liệu như thuốc chữa bệnh, sản phẩm chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo ông Hồ Quang Bửu, trước khi Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều nội dung cho công tác nghiên cứu, chọn, sản xuất giống sâm Ngọc Linh. Tỉnh sẽ hình thành Trung tâm sản xuất giống sâm Ngọc Linh quốc gia tại Nam Trà My và ưu tiên phát triển giống tại Trại sâm giống Tắk Ngo, trại sâm gốc của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với khả năng cung ứng cây giống cho phát triển vùng nguyên liệu bình quân 250ha/năm. Đồng thời đầu tư và thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm sâm Ngọc Linh bền vững theo chuỗi giá trị; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sâm Ngọc Linh, đảm bảo các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kịp thời đưa hệ thống máy móc kiểm định sâm Ngọc Linh vào hoạt động trên địa bàn Nam Trà My.
“Tỉnh giao cho các ngành liên quan phối hợp với huyện Nam Trà My tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng kết hợp giới thiệu văn hóa, truyền thống canh tác và sử dụng sâm Ngọc Linh tại các xã trồng sâm để hướng đến xây dựng “điểm đến”, gắn với phát triển làng du lịch cộng đồng Mô Chai, Lâng Loan, Tắk Ngo,… nhằm thu hút du khách du lịch đến vùng sâm thưởng ngoạn các sản phẩm du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe từ biệt dược sâm Ngọc Linh đặc hữu của Việt Nam. Trước mắt, tỉnh Quảng Nam đầu tư, nâng cấp Trại nhân giống sâm Ngọc Linh tại Tắk Ngo để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất giống, đạt 500 nghìn cây/năm vào năm 2030”, ông Hồ Quang Bửu cho biết thêm.
Với sự đầu tư mạnh và chiến lược phát triển dài hơi, cây sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội để hồi phục và phát triển, tránh nguy cơ bị tuyệt diệt do nạn khai thác sâm bừa bãi trong tự nhiên suốt thời gian dài vừa qua nhằm bảo tồn và phát triển nguồn sâm giống có giá trị kinh tế cao, gắn với bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh ở Quảng Nam.