Trên thực tế, “Chỉ số cơ sở hạ tầng” không được đưa vào để tính toán chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bởi những quyết sách lớn liên quan tới phát triển cơ sở hạ tầng phần lớn nằm ngoài thẩm quyền quyết định của chính quyền tỉnh, thành phố.
“Chỉ số cơ sở hạ tầng” là nguồn dữ liệu tổng hợp, phản ánh đánh giá về chất lượng 4 lĩnh vực hạ tầng cơ bản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là: các khu, cụm công nghiệp; đường giao thông; các dịch vụ tiện ích cơ bản về viễn thông, năng lượng; tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, đây cũng là nguồn thông tin tham khảo rất hữu ích đối với các doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Trước đó, từ năm 2015 - 2021, Bình Dương luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số chất lượng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đến năm 2022 Quảng Ninh đã vượt lên Bình Dương, trở thành “ quán quân” trong chỉ số này.
Cụ thể, trong lĩnh vực phát triển các khu, cụm công nghiệp, hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 05 khu kinh tế, 16 khu công nghiệp (bao gồm các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, các khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng và 19 cụm công nghiệp đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp của Quảng Ninh đạt khoảng 43%.
Các khu công nghiệp của Quảng Ninh hiện chủ yếu tập trung tại các địa phương như thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long, huyện Hải Hà và thành phố Móng Cái, đây cũng là những khu vực tập trung nhiều đầu mối giao thông, hạ tầng sẵn có như cao tốc Hạ Long - Hà Nội, cảng Cái Lân, Tiền Phong, Hải Hà, cửa khẩu Móng Cái, đã được đầu tư, nâng cấp qua nhiều năm, tạo điều kiện rất thuận lợi trong vận tải lưu thông hàng hóa.
Trong lĩnh vực xây dựng phát triển đường sá giao thông, Quảng Ninh cũng xác định rất rõ vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông luôn phải đi trước một bước để làm tiền đề, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Hiện tại, với tổng chiều dài hệ thống đường bộ trên địa bàn khoảng 6.361,93km, tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, trong đó tập trung vào đầu tư các dự án động lực, mang tính đột phá chiến lược.
Với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh hoặc ứng vốn cho Trung ương để giải phóng mặt bằng các dự án, công trình động lực nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Với chiến lược phát triển giao thông như vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020, Quảng Ninh đã nâng cấp, cải tạo được 228km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 126,7km đường tỉnh; cải tạo, duy tu làm mới 1.250km đường huyện, 3.750km đường giao thông nông thôn, miền núi.
Trong đó, kết quả ấn tượng nhất phải kể đến là đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai và hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn.
Đối với lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng. Hiện tại, Quảng Ninh là một trong những Trung tâm sản xuất điện lớn nhất Việt Nam. Hàng năm, tỉnh sản xuất khoảng 39 tỷ kWh và đóng góp khoảng 16% tổng sản lượng điện cả nước. Hạ tầng lưới điện được quan tâm đầu tư đồng bộ, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu về đích trước 02 năm trong việc đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khu, khe bản quy mô dưới 20 hộ đất liền, huyện đảo Cô Tô, đảo Cái Chiên và các xã đảo…
Trong lĩnh vực xây dựng dịch vụ viễn thông, phát triển tiện ích cơ bản ứng dụng công nghệ thông tin, Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong triển khai xây dựng các điểm phát sóng wifi công cộng, tập trung tại thành phố Hạ Long và huyện đảo Cô Tô, góp phần không nhỏ trong mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội.
Hiện tại, tổng số vị trí trạm Thu phát sóng di dộng (BTS) trên địa bàn tỉnh là 2649 và tổng số trạm BTS là 6419, trong đó số trạm đạt tới công nghệ 4G là 2464. Tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 98% các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh với cáp quang phủ rộng tới 100 % các xã. Đồng thời, Quảng Ninh cũng đã lắp đặt và phát sóng thử nghiệm 02 trạm 5G của Viettel tại Tòa nhà Liên cơ quan số 2 và tại Khu du lịch Tuần Châu với bán kính phủ sóng khoảng 300m.
Quan sát một cách tổng thể, có thể thấy rằng dù “Chỉ số cơ sở hạ tầng” không được đưa vào để tính toán chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên, về cơ bản chỉ số PCI vẫn thể hiện rõ mối quan hệ mật thiết giữa chất lượng điều hành kinh tế, luôn tỷ lệ thuận cùng chất lượng cơ sở hạ tầng. Nói rõ hơn là, những địa phương được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng điều hành kinh tế cũng là những nơi có chất lượng cơ sở hạ tầng tốt hơn.