Xin ông cho biết đôi nét về phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh?
Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước có biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, Quảng Ninh là điểm nút quan trọng trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng và trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.
Quảng Ninh có nhiều cảnh quan có giá trị ngoại hạng toàn cầu như: vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, danh thắng Yên Tử; có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú đa dạng với trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á... Đây là điều kiện để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trung tâm du lịch quốc tế - trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN - trung tâm kinh tế biển.
Năm 2023, GRDP bình quân đầu người tại Quảng Ninh đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc. Quảng Ninh cũng tạo đột phá trong thu hút FDI thế hệ mới khi đạt 3,1 tỷ USD, đứng thứ ba cả nước về thu hút FDI.
Được biết, Quảng Ninh đã và đang chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Quảng Ninh là trung tâm số 1 của Việt Nam về tài nguyên than đá, chiếm hơn 90% trữ lượng than của cả nước. Giai đoạn trước năm 2011, tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng chiếm tới 59% tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh; số thu nội địa từ khai thác than chiếm 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm.
Ngành công nghiệp than đem đến nguồn thu ngân sách ở mức cao cho Quảng Ninh, đồng thời tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm ngàn lao động. Tuy nhiên, việc tập trung vào khai thác than đã làm suy kiệt tài nguyên, đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, dù là địa phương được thiên nhiên ưu ái nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế, nhưng số thu ngân sách nội địa từ ngành du lịch tỉnh năm 2011 chỉ chiếm khoảng 2,6% tổng thu ngân sách.
Từ hơn một thập kỷ qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong của cả nước thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Nhờ kiên trì theo đuổi phương thức phát triển này nên tỉnh tiến nhanh, mạnh và bền vững hơn, đưa nền kinh tế địa phương vốn chỉ lấy công nghiệp nặng làm chủ đạo, nay đã phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Đến nay, Quảng Ninh đã thành công trong chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, đi đầu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Cụ thể, đã giảm tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP từ 35% năm 2010 xuống còn 20,2% năm 2023. Quảng Ninh đã giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng, tái tạo hàng ngàn ha rừng cây gỗ lớn và là địa phương có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất ở phía Bắc.
Trong lĩnh vực nuôi trồng hải sản, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Quy chuẩn địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn. Đến hết năm 2023, tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi khoảng 10 triệu quả phao xốp sang phao nổi HDPE thân thiện với môi trường.
Với kinh tế biển, Quảng Ninh định hướng phát triển như thế nào, thưa ông?
Quảng Ninh đang thực hiện lộ trình đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch quốc tế và trung tâm kinh tế biển với tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm trên 10%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 19.000 - 20.000 USD.
Tỉnh xác định phát triển bền vững kinh tế biển gắn chặt với phát triển dịch vụ tổng hợp ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế biển để cải thiện sinh kế và việc làm cho người dân, nhưng phải bảo đảm sức khỏe của hệ sinh thái đại dương, không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá.
"Với mục tiêu tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 lĩnh vực kinh tế biển sẽ chiếm 25% trong tổng kinh tế của tỉnh".
Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế biển đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển. Chúng tôi sẽ tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian hợp lý, khoa học dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột. Phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các bên liên quan.
Trong tương lai sẽ phát triển các ngành khai thác khoáng sản biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển kiểu mới; huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển. Tỉnh đang thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Chúng tôi đang xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô. Tỉnh đặc biệt coi trọng bảo tồn, bảo vệ di sản Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn biển Cô Tô, khu RamSar Đồng Rui...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2024 phát hành ngày 22/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam