March 16, 2010 | 14:14 GMT+7

Quốc hội sẽ xem xét đồ án quy hoạch Thủ đô

Nguyên Hà

Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội sẽ thông qua 12 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật khác

Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
Theo dự kiến, đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Tp.HCM sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ bảy, khai mạc vào ngày 20/5 tới.

Đây cũng là một trong các nội dung mới bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ bảy, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng 16/3, tại phiên họp thứ 29.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, đây là hai nội dung rất quan trọng, cần báo cáo trực tiếp Quốc hội thay vì gửi tài liệu đến đại biểu. Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường của Quốc hội đã được giao chuẩn bị ý kiến về các nội dung trên để báo cáo trước khi Quốc hội thảo luận, quyết định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại khi thời gian chuẩn bị các nội dung này còn quá ngắn. Có ý kiến cho rằng nếu chuẩn bị chưa thực sự đầy đủ thì sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tám, tháng 10/2010 chứ không nên "ép".

Cũng theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua 12 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật khác.

Trong đó, 10 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, gồm: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Thuế nhà đất; Luật Nuôi con nuôi; Luật Thi hành án hình sự; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Người khuyết tật; Luật An toàn thực phẩm; Luật Trọng tài thương mại và Luật Bưu chính.

Hai dự án luật và hai dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp là: Luật Thủ đô, Luật Biển Việt Nam; nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH 11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội chủ trương đầu tư và Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Các dự án luật cho ý kiến lần đầu bao gồm: Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Viên chức, Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật khoáng sản (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đầu tư công.

Song song với công tác xây dựng luật, Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát chuyên đề về giáo dục đại học, chất vấn và trả lời chất vấn cùng một số vấn đề quan trọng khác.

Hầu hết các ý kiến thảo luận đều đánh giá đây là kỳ họp có nội dung khá “nặng”, song nhiều dự án luật chuẩn bị còn chậm, gây khó khăn cho việc thẩm tra cũng như gửi tài liệu cho đại biểu theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba chỉ ra nguyên nhân từ sự phối hợp còn "trục trặc" giữa các cơ quan liên quan dẫn đến những vấn đề tranh cãi nhiều nhưng không thể đi đến thống nhất trước khi trình ra Quốc hội.

Phó chủ tịch Uông chu Lưu cũng lo ngại chất lượng nhiều luật khó có thể đảm bảo tốt. Như dự án Luật Thủ đô "đến giờ Chính phủ còn chưa cho ý kiến", trong khi dự định là sẽ thông qua ngay tại kỳ họp tới.

Theo một số vị ủy viên Thường vụ, nên đề nghị các cơ quan liên quan chuẩn bị để nếu cần thì giải trình trước Quốc hội một số vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm giữa hai kỳ họp như việc cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê rừng hay nguy cơ lạm phát...

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy; chuẩn bị đầy đủ tài liệu gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, đảm bảo yêu cầu không kéo dài thời gian song vẫn đảm bảo chất lượng của kỳ họp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate