June 27, 2024 | 11:49 GMT+7

Quốc hội thông qua Luật Đường bộ, chưa bổ sung quy định về phí giao thông nội đô

Ánh Tuyết -

Ngày 27/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đường bộ bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 447 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm 91,98%...

Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ.
Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, ngày 26/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 891/BC-UBTVQH15 về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ gửi Đại biểu Quốc hội. 

KHÔNG CÓ TIÊU CHUẨN RIÊNG CHO ĐƯỜNG TỐC ĐỘ CAO

Giải trình, tiếp thu quy định về phân loại đường bộ theo cấp quản lý (Điều 8), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý, bổ sung điểm d khoản 1 Điều này trên cơ sở sử dụng thống nhất với quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 1 Điều 8 như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Đồng thời, để làm rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của từng cấp chính quyền địa phương, trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 4 Điều này theo hướng xác định rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc quản lý đối với các loại đường bộ thuộc địa phương quản lý.

Về cấp kỹ thuật của đường bộ (Điều 10), có ý kiến đề nghị bổ sung đường tốc độ cao để bao quát hết tất cả các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để xác định bổ sung một loại cấp kỹ thuật đường bộ cần xem xét, đánh giá kỹ và cần xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, đường cấp I đã có thiết kế tối đa tới 120 km/h.

Tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không quy định và không có tiêu chuẩn riêng cho đường tốc độ cao. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không bổ sung cấp đường này trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới  trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ - Ảnh: Quochoi.vn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới  trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ - Ảnh: Quochoi.vn.

Đối với quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 12), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc quy định cụ thể tỷ lệ đất dành cho đường bộ trong đô thị cần phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị; đồng thời phải xem xét trên cơ sở đánh giá toàn diện quỹ đất dành cho các lĩnh vực giao thông khác (đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không).

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều này phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/02/2022 của Bộ Chính trị; đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp thực tiễn từng giai đoạn phát triển và tính đặc thù của các loại đô thị. 

Về sử dụng hành lang an toàn đường bộ (Điều 16), khoản 2, khoản 3, có ý kiến đề nghị bổ sung cụ thể các hoạt động cá nhân được thực hiện trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc sử dụng đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ cần tuân thủ và thống nhất với quy định của Luật Đất đai.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 16 dự thảo Luật đã quy định trường hợp đất hành lang an toàn đường bộ chưa được thu hồi thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Đất đai và phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VỀ THU PHÍ NỘI ĐÔ

Đối với phí giao thông nội đô, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Đồng thời, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Về hoạt động vận tải đường bộ (Điều 56), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được bổ sung loại hình xe 4 bánh có gắn động cơ vào khoản 5 và các khoản có liên quan tại Điều 56.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo bổ sung như sau: Dự thảo Luật đã quy định loại hình xe hợp đồng và xe du lịch thành loại hình xe hợp đồng do hai loại hình này có đặc điểm, tính chất tương đồng về tổ chức vận tải; có phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ và hình thức giao kết hợp đồng giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải tương tự nhau.

"Khi quy định chung hai loại hình này thành xe hợp đồng thì vẫn được ưu tiên hoạt động tại các khu vực, điểm du lịch, vận chuyển khách du lịch như quy định hiện hành", ông Tới nêu rõ.

Đối với ý kiến đề nghị quản lý chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng các quy định cụ thể sẽ do Chính phủ quy định chi tiết theo khoản 14 Điều này và thực tiễn hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate