Quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm các quỹ thành phần: Quỹ ốm đau và thai sản; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quỹ hưu trí và tử tuất.
CHI TRẢ CHẾ ĐỘ CHO HÀNG CHỤC TRIỆU NGƯỜI HƯỞNG
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng để: Trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động; đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu, hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định của pháp luật; đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.
Tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014 giai đoạn 2016 – 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đối với Quỹ ốm đau và thai sản, theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn này, số chi trong năm về cơ bản xấp xỉ bằng số thu, một số năm số chi còn vượt số thu (năm 2017, năm 2019).
Số kết dư quỹ ốm đau và thai sản hiện nay về cơ bản là tồn tích của những năm trước còn lại. Kết dư quỹ đến hết năm 2020 là trên 13.400 tỷ đồng, bằng 43,8% số chi trong năm 2020.
Theo khuyến nghị của một số chuyên gia quốc tế thì đối với Quỹ ốm đau và thai sản để đảm bảo cân đối tài chính quỹ thì số kết dư chuyển năm sau nên ở trong mức từ 1-1,5 lần số chi của năm liền kề. Như vậy, với số kết dư Quỹ ốm đau và thai sản như hiện nay chưa đảm bảo cân đối tài chính quỹ.
Trong khi đó, đối với Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, số chi từ quỹ rất ít so với số thu, kết dư quỹ trong giai đoạn này là rất lớn. Tính đến hết năm 2020, số kết dư quỹ này là hơn 54 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 61 lần số chi quỹ trong năm 2020. Do vậy, trong giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025, quỹ vẫn đảm bảo cân đối.
Với Quỹ hưu trí và tử tuất, số thu quỹ luôn vượt số chi. Kết dư quỹ tính đến hết năm 2020 là 794.920 tỷ đồng. Về cơ bản đối với số kết dư này thì trong ngắn hạn Quỹ hưu trí và tử tuất đảm bảo cân đối. Tuy nhiên, trong dài hạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, cần có những đánh giá cụ thể và kỹ càng hơn, nhất là đối với vấn đề “nợ lương hưu tiềm ẩn” của quỹ.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, về cơ bản trong giai đoạn 2016 - 2021, Quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo được cân đối, bảo đảm cho việc chi trả chế độ cho hàng chục triệu người hưởng các chế độ trong năm.
Tuy nhiên, trong các quỹ thành phần, chỉ có Quỹ hưu trí và tử tuất là quỹ có tính chất đặc thù dài hạn. Các quỹ còn lại chủ yếu mang tính chất ngắn hạn, đảm bảo cân đối thu – chi trong năm và dự phòng trong ngắn hạn.
KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM HƯU TRÍ BỔ SUNG TỰ NGUYỆN
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung, đây là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (khoản 7 Điều 3 và khoản 3 Điều 4), bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nhà nước không hỗ trợ đóng góp, không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả. Để gia tăng thu nhập cho người về hưu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, Nhà nước khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Góp ý về chính sách hưu trí bổ sung tự nguyện tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất nội dung này tiếp tục thực hiện như quy định hiện hành. Bởi, chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mới bắt đầu được triển khai từ năm 2017 sau khi Nghị định số 88/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành.
Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp là các công ty quản lý quỹ có năng lực tài chính tốt trong số 47 công ty quản lý quỹ đang hoạt động trên thị trường chứng khoán được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, bao gồm: Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM); Công ty quản lỹ quỹ đầu tư MB (MBVF); Công ty quản lỹ quỹ SSI (SSIAM) và Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF).
Trong đó, DCVFM triển khai 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (bao gồm quỹ Phúc An, quỹ Thịnh An và quỹ Vĩnh An) với tổng giá trị tài sản ròng là hơn 73,5 tỷ đồng và 217 người tham gia; MBVF triển khai 2 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (bao gồm quỹ An Khang và quỹ Thịnh Vượng) với tổng giá trị tài sản ròng là hơn 11,1 tỷ đồng và 673 người tham gia.
Đối với 2 công ty quản lý quỹ là SSIAM và VCBF đang trong quá trình thành lập và triển khai các quỹ hưu trí.
“Do đây là chính sách tự nguyện, cần có thời gian để doanh nghiệp và người lao động nắm bắt thông tin và tham gia vào chương trình. Bên cạnh đó, chính sách thuế đối với người tham gia chưa thực sự ưu đãi nên việc triển khai thời gian qua còn chậm, chưa hấp dẫn doanh nghiệp và người lao động tham gia”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Theo Bộ Tài chính, chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện đang ở giai đoạn đầu phát triển, cần có thời gian đánh giá trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục hoặc dừng hoạt động kinh doanh này.