July 24, 2025 | 09:18 GMT+7

Quy hoạch mới đưa Chân Mây – Lăng Cô thành trung tâm kinh tế phía Nam thành phố Huế

Nguyễn Thuấn -

Việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2045 hướng đến xây dựng nơi đây thành trung tâm kinh tế, đô thị, công nghiệp và du lịch sinh thái của thành phố Huế...

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có nhiều lợi thế để phát triển logistics
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có nhiều lợi thế để phát triển logistics

Chiều ngày 23/7, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp phối hợp với UBND xã Chân Mây – Lăng Cô tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN MỚI

Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 2006 và được phê duyệt quy hoạch chung lần đầu vào năm 2008. Sau hơn 15 năm đi vào hoạt động, nhiều bất cập, vướng mắc đã bộc lộ như: chỉ tiêu kỹ thuật – kinh tế, định hướng sử dụng đất chưa còn phù hợp; các mốc dự báo đến năm 2025 không còn đáp ứng được yêu cầu quản lý và kêu gọi đầu tư; đồng thời, những yếu tố kinh tế – xã hội mới xuất hiện đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh phát triển vùng.

Trên cơ sở rà soát tổng thể, UBND thành phố Huế đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 26/12/2024. Đây là bản quy hoạch mang tính chất nền tảng, đóng vai trò làm cơ sở triển khai các quy hoạch phân khu, định hướng bố trí không gian đô thị, hạ tầng và phát triển công nghiệp – du lịch – dịch vụ cho khu vực phía Nam thành phố Huế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, việc điều chỉnh quy hoạch sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn hạ tầng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tạo hành lang pháp lý vững chắc để tổ chức triển khai các chương trình phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và thu hút các nguồn lực đầu tư lớn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh phát biểu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh phát biểu tại buổi lễ

Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp được giao chủ trì rà soát, lập mới và điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, đồng bộ với các chương trình phát triển nhà ở, đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính và đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn đô thị hiện hành. UBND xã Chân Mây – Lăng Cô cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong quản lý xây dựng, giám sát trật tự đô thị và tuyên truyền phổ biến thông tin quy hoạch đến người dân.

KHAI PHÓNG TIỀM NĂNG

Ngay từ tháng 4/2025, UBND thành phố Huế đã ban hành danh mục 15 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2025 – 2026. Đây là những dự án quy mô lớn, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như cảng biển, công nghiệp, đô thị và du lịch sinh thái, với tổng vốn dự kiến lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng được thực hiện tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là dự án đầu tư xây dựng Bến số 6 tại khu Cảng Chân Mây, có diện tích 13,3 ha và tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Dự án được định hướng phục vụ hàng lỏng, hàng bao kiện và container, đáp ứng cho tàu có tải trọng lên đến 70.000 DWT, góp phần nâng cao năng lực logistics và năng lực cạnh tranh khu vực.

Ngoài ra, dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 2, diện tích hơn 204 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cũng đang được thành phố tích cực mời gọi nhà đầu tư. Dự án được kỳ vọng sẽ hình thành khu công nghiệp hiện đại, gắn kết với hệ thống cảng biển và các tuyến giao thông huyết mạch trong vùng.

Trong lĩnh vực phát triển không gian đô thị và dịch vụ, thành phố Huế cũng đặt ưu tiên cao cho các dự án khu phi thuế quan số 1 và số 2 (với quy mô lần lượt 236 ha và 267,6 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng), hai dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí 1 và 2) có tổng vốn đầu tư lên tới gần 20.000 tỷ đồng. Các khu đô thị này sẽ được quy hoạch theo mô hình tích hợp, hiện đại, đảm bảo tính liên kết giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Không dừng lại ở đó, danh mục kêu gọi đầu tư còn bao gồm nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, có quy mô từ vài chục đến hàng trăm ha. Trong đó nổi bật là Khu du lịch sinh thái Bãi Cả (120 ha, 2.500 tỷ đồng), Khu du lịch biển Lăng Cô (45 ha, 4.000 tỷ đồng), Khu phức hợp du lịch, đô thị, nghỉ dưỡng đầm Lập An (75 ha, 6.000 tỷ đồng).

Một điểm nhấn đặc biệt trong chiến lược phát triển năng lượng xanh của thành phố là dự án Kho cảng LNG tại khu Cảng Chân Mây. Với diện tích 27 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 8.600 tỷ đồng, dự án bao gồm kho chứa khí hóa lỏng LNG, cảng tiếp nhận và hệ thống đường ống dẫn, hứa hẹn sẽ đóng vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt khu vực miền Trung.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate