December 13, 2022 | 17:18 GMT+7

Yêu cầu lập danh sách các nhà thầu yếu kém để Bộ Giao thông vận tải xử lý

Anh Tú -

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ, có biện pháp điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu yếu kém và yêu cầu giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao...

Đến hết tháng 11, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung.
Đến hết tháng 11, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các Ban quản lý dự án : 2, 6, 7, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, Mỹ Thuận; các cơ quan, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công.

TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VẪN CHẬM, DÙ ĐẠT MỨC CAO HƠN BÌNH QUÂN CHUNG

Sở dĩ cơ quan quản lý tiếp tục có công văn thúc giục các đơn vị là bởi kết quả công tác kiểm tra cho thấy, tiến độ thực hiện và công tác giải ngân tại một số dự án còn chậm, mặc dù thời gian qua, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thi công, tư vấn đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công và kết quả giải ngân của Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nằm trong số các bộ, ngành đạt mức cao hơn bình quân chung trong cả nước.

Cùng với đó, "thủ tục điều chỉnh giá, lập phê duyệt các hạng mục điều chỉnh, bổ sung, phát sinh còn chậm; công tác đăng ký kế hoạch vốn và đánh giá khả năng hấp thụ chưa sát với nhu cầu thực tế dẫn đến phải điều chuyển vốn…", Bộ Giao thông vận tải đánh giá nguyên nhân chậm giải ngân.

Ngoài các nguyên nhân khách quan còn nhiều nguyên nhân chủ quan như: các nhà thầu thi công chưa tập trung tài chính, nhân sự, thiết bị để thực hiện dự án; chủ đầu tư đặc biệt là Sở Giao thông vận tải các địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, xử lý đối với những nhà thầu yếu, chậm tiến độ; nhiều khối lượng đã hoàn thành nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thanh toán.

Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng.

Đồng thời, nhanh nhạy, linh hoạt hơn nữa trong việc áp dụng các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy nhanh giải ngân vốn đối với khối lượng đã hoàn thành, bảo đảm nguồn vốn cho các nhà thầu tăng tốc thi công.

"Các chủ đầu tư/ban quản lý dự án cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tiến độ thi công theo từng ngày, từng tuần của từng nhà thầu, từng gói thầu, đôn đốc các nhà thầu thi công huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, nguyên vật liệu; chủ động nghiên cứu áp dụng, đổi mới các giải pháp kỹ thuật, tập trung tăng cường thi công “3 ca, 4 kíp” ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.

KIÊN QUYẾT XỬ LÝ CÁC NHÀ THẦU VI PHẠM TIẾN ĐỘ

Căn cứ quy định của hợp đồng, các ban quản lý dự án phải kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ đã bị phê bình, cảnh cáo mà không khắc phục kịp thời trong thời gian quy định.

"Có biện pháp điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu yếu kém; xử lý đối với nhà thầu không tiếp tục thực hiện hợp đồng theo quy định. Theo dõi, đánh giá và báo cáo Bộ các nhà thầu hạn chế năng lực, không hoàn thành khối lượng theo hợp đồng”, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu: "Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cơ quan chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập danh sách các nhà thầu năng lực yếu để tham mưu Bộ xem xét, xử lý theo quy định của hợp đồng và quy pháp luật có liên quan".

Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tính toán, lập tiến độ chi tiết đối với khối lượng còn lại của các dự án làm cơ sở theo dõi đánh giá khả năng hoàn thành các hạng mục, gói thầu theo yêu cầu.

“Vụ Kế hoạch - Đầu tư cần phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng rà soát, đánh giá tổng thể, khách quan khả năng hoàn thành các hạng mục, khối lượng chính theo các mốc tiến độ dự kiến, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn từ những dự án có khả năng giải ngân thấp sang những dự án có khả năng giải ngân tốt, đáp ứng yêu cầu giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao”, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.

 

Đến hết tháng 11, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung và đạt 69,4% so kế hoạch giao đầu năm, gồm 31.174/49.611 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 63% và 3.709/5.440 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 68,2%. Như vậy, kết quả giải ngân hết tháng 11 của Bộ Giao thông vận tải duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (khoảng 57%). 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đang cùng nhiều lãnh đạo bộ đẩy mạnh làm việc với các địa phương, bám sát hiện trường để trực tiếp đôn đốc tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, tăng tốc giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư công giai đoạn nước rút.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate