Tình hình dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường đã và đang tác động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động và gia đình họ. Một bộ phận lớn người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 với 1.533 người lao động tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, mức lương người lao động nhận được không đủ trang trải nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình.
Cụ thể, có 46,2% người lao động cho biết họ phải làm thêm giờ với số ngày phải làm thêm giờ trong 1 tháng trung bình là 12,78 ngày/tháng để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Tiền lương thấp dẫn tới thiếu thốn chi tiêu trong sinh hoạt của người lao động và gia đình họ: Có 56,1% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ; và 13,2% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống.
Bên cạnh đó, một bộ phận lớn người lao động phải đi vay tiền để chi tiêu: Có 11,2% người lao động cho biết thường xuyên (hàng tháng) phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống; 35,6% người lao động thỉnh thoảng (từ 3-4 tháng/lần) phải đi vay; 35,6% người lao động phải vay tiền từ 1-2 lần/năm và chỉ có 17,7% người lao động cho biết chưa phải vay tiền để chi tiêu cho cuộc sống.
Rất nhiều người lao động không đủ sống phải rút bảo hiểm xã hội một lần: Hơn 1/5 số người được khảo sát (21,4%) cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần (sau đó vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội khi có việc, nghĩa là tham gia lại từ đầu). “Điều này cho thấy cuộc sống của họ rất khó khăn và việc rút bảo hiểm xã hội một lần là sự lựa chọn cuối cùng để lại hệ lụy lớn cho người lao động và xã hội”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần cũng là một trong những thông điệp để thấy rằng tăng lương tối thiểu vùng là cấp thiết giúp người lao động vượt qua khó khăn.
“Khi chúng ta có sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó có doanh nghiệp, chắc chắn người lao động không phải quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần, đây là lựa chọn đầy nước mắt và hết sức mạo hiểm đối với quyền lợi của họ”, ông Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhìn nhận, tình trạng người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần vì họ rất cần tiền để giải quyết nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, điều đó cũng phản ánh hiện nay tiền lương và thu nhập người lao động đang rất thấp.
“Tiền lương thấp đến mức người lao động sẵn sàng “bán lúa non”, cắm số bảo hiểm để lấy tiền. Tôi cho rằng, những người còn chờ được để rút bảo hiểm xã hội một lần là đỡ khó khăn hơn rồi, quý 1 năm nay đã có hơn 200.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, cả năm con số này có thể lên đến cả triệu người, chung quy lại phải khó khăn lắm người lao động mới phải rút gấp như vậy”, ông Vũ Minh Tiến nhận định.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 hoành hành hơn 2 năm qua, nhiều người lao động mất việc làm dẫn đến không có thu nhập, đa số người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống, đây là thực tế "rất đáng lo ngại".
Hưởng bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội và tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân. Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị, người lao động khi không lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có quyền bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu, để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe khi về già.
Thời gian tới, dự kiến Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm.