Trong tờ trình về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hồi tháng 7, Ban soạn thảo đã đề xuất nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Trong đó có việc họ sẽ được hưởng bảo hiểm y tế do Quỹ bảo hiểm xã hội đóng sau một năm nghỉ việc, nếu không nhận bảo hiểm xã hội một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất của tháng 9, Ban soạn thảo đã rút đề xuất này. Thay vào đó, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét các giải pháp hỗ trợ người lao động trong thời gian đang bị mất việc trong quá trình sửa đổi Luật Việc làm, đặc biệt các chế độ hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Ý kiến này cũng phần nào trùng với khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) nêu ra trong báo cáo Rút bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam mới đây.
Theo các chuyên gia của ILO và WB, tại Việt Nam, phần lớn các trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần là để đối phó với tình trạng thiếu hụt thu nhập ngắn hạn, kết hợp với những suy nghĩ ngắn hạn cố hữu của người lao động, dẫn đến một số lượng lớn người lao động hàng năm rút khỏi bảo hiểm xã hội khi ngừng việc.
Vì vậy, chuyên gia cho rằng xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động bằng cách tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn nên là một ưu tiên.
Một trong các chế độ trợ cấp được đề cập là trợ cấp thất nghiệp. Vì mất việc làm đối với người lao động trong hầu hết các trường hợp là thách thức lớn nhất đối với an ninh thu nhập của họ, nên việc tiếp cận các khoản trợ cấp thất nghiệp phù hợp là chìa khóa để vượt qua những thách thức đó.
“Mở rộng diện bao phủ và tăng mức trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam có thể là một chính sách quan trọng nhằm giảm bớt động cơ rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động”, chuyên gia của ILO và WB khuyến nghị.
Đối với các phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, trong phiên họp cho ý kiến lần 1, Thường trực Ủy ban đã nêu 5 loại ý kiến về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã chỉ đạo “nghiên cứu tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của 2 phương án và các ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội để ra một phương án tối ưu”.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị kết hợp hai phương án Chính phủ trình thành 1 phương án thống nhất và nghiên cứu nên có lộ trình giảm phần trăm mức hưởng khi nhận bảo hiểm xã hội một lần (tương tự như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu) để vừa tuyên truyền, vừa áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ vẫn đưa ra hai phương án, không có sự thay đổi. .
Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động.
Do đó, cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, cần hết sức lưu ý quan tâm việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần, để thống nhất nhận thức về mục tiêu của chính sách.
Đó là, khi có việc làm thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập (hiện người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động 14%) để đóng vào Quỹ bảo hiểm hưu trí, để khi đến tuổi nghỉ hưu, hoặc suy giảm khả năng lao động, thì người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng. Khoản này chính là rút từ tiền của người lao động, người sử dụng lao động đã đóng và tích lũy.
Theo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, trong 7 năm (từ 2016 - 2022) có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong số này chỉ có khoảng gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 26% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).