June 25, 2022 | 07:57 GMT+7

 Sẵn sàng đón thêm các nhà đầu tư lớn đến với Đà Nẵng

Tuấn Dũng -

Trước thềm Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 vào 25/6/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Thành Tâm Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI) xung quanh câu chuyện thu hút vốn FDI vào Đà Nẵng nói chung và khu công nghiệp Liên Chiểu nói riêng...

Với kinh nghiệm của một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, Chủ tịch Đặng Thành Tâm đã khẳng định với VnEconomy trong cuộc trao đổi dưới đây rằng Khu công nghiệp Liên Chiểu hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" tích hợp cùng các dịch vụ đa dạng, chuẩn mực sẽ sớm lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. 

Là người đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển Khu công nghiệp, thu hút FDI, ông đánh giá như thế nào về tình hình thu hút FDI trong năm vừa qua và triển vọng năm tới?

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên năm 2021 nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhưng cuối năm 2021 và bước sang năm 2022 do có vaccine nên các nước đã thích nghi với dịch Covid-19, các nền kinh tế đã dần hồi phục. Với chiến lược thích ứng an toàn, Việt Nam đã kiểm soát được dịch, sức sống của các doanh nghiệp đang được hồi phục. Gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục mới, với tổng giá trị 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020; tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 đạt 2,58% cũng là một thành công trong đại dịch nhưng nếu tính riêng quý 4/2021 lại đạt tới 5,22%, mức tăng trưởng rất cao so với các nước trên thế giới.

Đặc biệt, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước trở thành điểm sáng có sức thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Cá nhân tôi thấy nguồn đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2022 và những năm tới có rất nhiều triển vọng.

 Sẵn sàng đón thêm các nhà đầu tư lớn đến với Đà Nẵng - Ảnh 1

Vừa qua, ông cũng đã tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ. Ông cảm nhận như thế nào về mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này đối với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, thưa ông?

Trong tháng 5 vừa rồi tôi cũng có vinh dự tham gia trong đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ. Tôi thấy, rất nhiều quỹ đầu tư lớn xin gặp Thủ tướng để tham vấn về chính sách hiện tại và thể hiện sự quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Như tôi đã nói, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ đang tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đang có tăng trưởng GDP khá cao, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đang dần dần có bài bản hơn.

Vừa rồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết với các nhà đầu tư Mỹ rằng, thị trường Việt Nam sẽ tăng cường minh bạch hơn nữa và Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp hay quỹ khi đầu tư vào Việt Nam.

Tôi thấy một điều rất thú vị là hệ số tín nhiệm của Việt Nam đối với Mỹ đã cải thiện rất đáng kể. Ví dụ, nếu trước đây, doanh nghiệp khi mua bảo hiểm để đầu tư vào Việt Nam họ phải trả 10 đồng thì hiện nay chỉ trả 1 đồng thôi. Qua chuyến đi này, tôi tin rằng sắp tới có nguồn vốn cực kỳ lớn vào Việt Nam, cả trực tiếp và gián tiếp. Tổng nguồn vốn Mỹ đầu tư vào Việt Nam từ trước đến nay khoảng 10 tỷ USD, trong 3 năm tới kỳ vọng ít nhất thêm 10 tỷ USD nữa. Và tôi nghĩ các doanh nghiệp Mỹ hiện cũng đang rất chú ý tới Đà Nẵng, tới chiến lược thu hút nguồn FDI về các lĩnh vực công nghệ cao, logistics, bất động sản nghỉ dưỡng… tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để kết nối vùng từ đó tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.  Đồng thời, Đà Nẵng cũng đã chú trọng phát huy các tiềm năng và lợi thế của mình để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, liên thông, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu dịch chuyển, xử lý dòng hàng hóa phát sinh của thành phố, của các địa phương lân cận và một phần luồng hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Tất cả những điều đó sẽ tăng thêm sức hút FDI về đây. Và tôi biết hiện Khu công nghiệp Liên Chiểu cũng là một trong những nơi được các nhà đầu tư quan tâm.

Thưa ông, Khu công nghiệp Liên Chiểu là do Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Với góc nhìn của một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam, Khu công nghiệp Liên Chiểu có điểm gì đặc biệt? Ngoài Khu công nghiệp Liên Chiểu, tại Đà Nẵng hiện nay, Tập đoàn SGI còn có những dự án nào đáng chú ý về thu hút đầu tư?

Theo tôi được biết, hiện Đà Nẵng có tới 345 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 123.686 tỷ đồng; 376 dự án đầu tư trong nước trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư 27.607,9 tỷ đồng và 911 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 3,866 tỷ USD. Hiện đất tại 6 khu công nghiệp của TP.Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1, Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, Khu công nghiệp Liên Chiểu) gần như lấp đầy với tỷ lệ đạt 87,7%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp trên toàn quốc (60%).

Riêng khu công nghiệp Liên Chiểu và khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng đều do Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) làm chủ đầu tư, (SDN là một thành viên của Saigon Invest Group – SGI). Với kinh nghiệm của tôi, đây là hai khu công nghiệp hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" tích hợp cùng các dịch vụ đa dạng, chuẩn mực, hỗ trợ hiệu quả quá trình đầu tư nên rất dễ lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.

Tổng vốn đầu tư Khu công nghiệp Liên Chiểu đến nay đã thu hút khoảng 355 triệu USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài là 73,44 triệu USD. Các nhà đầu tư tiêu biểu có thể kể  như Công ty TNHH bao bì nước giải khát Crown Đà Nẵng, Công ty CP cao su Đà Nẵng, Công ty CP nhựa Đà Nẵng, Công ty TNHH SSLV…

Về Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, diện tích đất thương phẩm công nghiệp hiện đã cho thuê đạt chiếm 95,85% (tương đương 104,5 ha) và tổng số vốn đầu tư nước ngoài là 390 triệu USD và vốn đầu tư trong nước là 984,9 tỷ VNĐ. KCN đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia…

Cả hai Khu công nghiệp Liên Chiểu và Khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng đều đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đón làn sóng chuyển hướng đầu tư hậu Covid-19, nhất là trong lĩnh vực logistics, công nghệ cao… nhằm phát huy mọi tiềm năng sẵn có của Đà Nẵng. Từ đó tiếp thêm động lực cho phát triển công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ tại địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Ngoài ra, Tập đoàn SGI còn có Dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng (DHTP) – 1 trong 3 khu công nghệ cao đa chức năng của Việt Nam được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu thu hút các nhóm ngành lĩnh vực công nghệ cao (bao gồm: Công nghệ̂ thông tin; Công nghệ sinh học; Công nghệ vi điện tử, và tự động hoá; vật liệu mới, công nghệ nano; công nghệ năng lượng mới; Một số công nghệ đặc biệt khác...). Chúng tôi đã và đang đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất công nghệ cao để đón tiếp nhà đầu tư về Đà Nẵng trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate