Chiều ngày 29/11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 9 luật), với 445/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 92,90% tổng số đại biểu Quốc hội.
Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật liên quan đến Luật Quản lý thuế, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết một số ý kiến cho rằng việc bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số là chưa phù hợp.
Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế nêu rõ: "Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính".
"Để làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát và khẳng định việc sửa đổi bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” là phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo việc quản lý thuế hiệu quả, công bằng giữa các quốc gia", ông Mạnh nêu rõ.
Đồng thời, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp ở nước ngoài “có cơ sở thường trú” đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài, đảm bảo bao quát đầy đủ, mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế, nhất là, trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Trên cơ sở này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép sửa đổi nội dung nêu trên thể hiện tại khoản 5 Điều 6 dự thảo luật để tiếp thu, chỉnh lý.
Về quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra, có ý kiến đề nghị xem xét để sửa đổi Điều 47 Luật hiện hành về bổ sung hồ sơ khai thuế để bảo đảm hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để chủ động phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, theo hướng bỏ quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý thể hiện tại khoản 6 Điều 6 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý.
Một trong những điểm đáng chú ý trong 1 luật sửa 9 luật là bổ sung quy định khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế về việc tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
Chính phủ quy định chi tiết phạm vi trách nhiệm và cách thức các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý nền tảng số và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của các hộ, cá nhân; về hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế của các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số.
Quy định nêu trên sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025.
Trước đó, một cuộc họp về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử được Tổng cục Thuế tổ chức tuần qua nhằm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả ba bên gồm người nộp thuế, sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế để thực hiện đúng quy định chính sách pháp luật về thuế.
Một kiến nghị đáng lưu ý từ phía các sàn thương mại điện tử đề xuất cơ quan thuế cần xem xét, nghiên cứu và sửa đổi biểu mẫu yêu cầu sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện đặc biệt cần đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, Ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế để hỗ trợ và tiếp nhận thông tin nhập liệu với dung lượng lớn. Ngoài ra, cũng cần cải tiến cơ chế báo lỗi trong việc kết xuất dữ liệu và truyền tải dữ liệu…
Ghi nhận đề xuất này, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị đơn vị chủ trì tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các sàn thương mại điện tử và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đề xuất giải pháp báo cáo lãnh đạo Tổng cục Thuế tháo gỡ ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền. Bổ sung kịp thời các giải pháp về công nghệ thông tin để hỗ trợ các sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp thông tin theo quy định.
Đồng thời, thành lập ngay tổ công tác hỗ trợ cung cấp thông tin từ các sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp các sàn thương mại điện tử trong việc triển khai chính sách thuế được thuận lợi nhất.
"Tổ công tác phải hoạt động với trách nhiệm cao nhất là hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế và các sàn thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh đảm bảo minh bạch, công bằng và chấp hành đúng các quy định của pháp luật thuế", lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu.
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy lũy kế 10 tháng năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 94,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023. Cổng thông tin thương mại điện tử đã ghi nhận 412 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo đó, có hơn 191 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là gần 72 nghìn tỷ đồng.
Từ khi chính thức vận hành cổng với tính năng tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử (ngày 15/12/2022) đã qua 8 kỳ cung cấp thông tin từ quý 4/2022 đến quý 3/2024), tuy nhiên, Tổng cục Thuế nhận thấy vẫn còn hiện tượng dữ liệu từ các sàn cung cấp không đầy đủ, thiếu tin cậy, phải rà soát lại mới có thể sử dụng phục vụ cho công tác quản lý thuế.